Ngày 23/5, tại chùa Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã công bố Quyết định số 1821/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với tượng Phật nghìn mắt nghìn tay (Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn).
Đây là pho tượng cổ quý hiếm, là một trong ba kiệt tác đỉnh cao của nghệ thuật tạo tác tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn cổ ở Việt Nam.
Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Mễ Sở là hiện vật gốc độc bản, có hình thức thể hiện độc đáo, được các nghệ nhân xưa tạo tác hoàn toàn bằng kỹ thuật điêu khắc thủ công truyền thống hết sức công phu, tiêu biểu cho nền mỹ thuật đầu thế kỷ thứ 19.
Là pho tượng Phật có số lượng tay nhiều nhất Việt Nam hiện nay với 1.014 cánh tay. Đi kèm mỗi cánh tay là một con mắt được tạo tác tinh xảo trong lòng bàn tay và được chia ra thành nhiều tầng lớp khác nhau.
Những cánh tay lớn của tượng không chỉ được tạc từ cánh tay chính, mà còn có thêm phần gập của khuỷu tay. Đôi tay trên cùng (gọi là tay Đảnh Hóa Phật) được chụm lại trên đỉnh mũ Thiên quan nâng đỡ đài sen và tượng Phật nhỏ.
Điểm ấn tượng và độc đáo nhất của pho tượng này đó là có thêm một đôi tay Phổ Lễ ở phía sau lưng, tạo không gian mở đa chiều, hình tượng nghệ thuật vừa thân quen, vừa trang nghiêm về một vị thần thánh đầy linh nhiệm.
Bảo vật Quốc gia tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn được tạo tác vào đầu thế kỷ 19. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Nét độc đáo và khác biệt nữa là phía trên đầu tượng, nơi đầu mũi của vầng hào quang chạm nổi các cuộn mây hình khánh kết hợp với những cánh tay nhỏ đan đều nhau uốn khum ra phía trước, tựa như cánh của con chim Khổng tước đang trong tư thế xà xuống che cho đức Phật. Phía dưới là bộ tượng Di Đà Tam Tôn, với Phật A Di Đà ngồi giữa tọa thiền trên đài sen, hai bên là Quan Thế Âm và Đại Thế Chí đứng trên đài sen hộ trì.
Tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Mễ Sở là hiện vật có giá trị về lịch sử văn hóa tiêu biểu, là minh chứng rõ nét về quá trình tồn tại và phát triển, sự ảnh hưởng lâu dài của Phật giáo ở Việt Nam qua các thời kỳ.
Không chỉ là một tác phẩm mang ý nghĩa tôn giáo thông thường, pho tượng còn chứa đựng nhiều triết lý sâu xa, kỳ ẩn của nhà Phật; là một vũ trụ thu nhỏ, được sáng tác theo hệ thống quy luật chặt chẽ. Đó là những quy luật âm dương ngũ hành và bát quái, luôn bao hàm các cặp phạm trù đối lập nhưng thống nhất.
Những nét điêu khắc vô cùng tinh xảo và độc đáo trên bức tượng là minh chứng rõ nét phản ánh về tinh thần sáng tạo nghệ thuật, đặc trưng kỹ thuật trong tạo tác tượng của những nghệ nhân dân gian xưa, khiến cho pho tượng trở thành vốn quý trong nền nghệ thuật điêu khắc của Việt Nam./.
TTXVN
Chiều 27/11, chương trình "Sắc màu du lịch Hưng Yên" do UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức, đã khai mạc tại khu vực...
Với mục tiêu gia tăng các tiện ích thanh toán cho khách hàng, từ ngày 26/02/2020, Vietcombank chính thức...
Năm nay thuận lợi cho việc trồng hoa nên giá thành không biến động nhiều, người dân làng hoa Xuân Quan (Hưng...
Làng hoa ven sông Hồng (xã Xuân Quan, H.Văn Giang, Hưng Yên) đang tất bật chăm sóc hoa và cây cảnh phục vụ...
Nhiều đại gia sẵn sàng bỏ ra gần tỷ đồng để sở hữu loại hoa giấy ngũ sắc được nhập từ Thái Lan về chơi...
Làm thế nào để khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên du lịch, tìm chỗ đứng cho Hưng Yên trong vị trí bản đồ du...
"Cần có giải pháp để thúc đẩy du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xác định vị trí của Hưng Yên trên bản đồ...
Cầu Hưng Hà có tổng đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng, bắc ngang qua sông Hồng giúp rút ngắn khoảng cách từ Hưng Yên...
Xác định quảng bá, xúc tiến du lịch là khâu quan trọng trong hoạt động phát triển du lịch, góp phần tích cực...
Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Mễ Sở là hiện vật gốc độc bản, là pho tượng Phật có số lượng tay...
Tối 10/4, tại thành phố Hưng Yên, Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2019 đã được khai mạc trong không khí...
Trong 3 ngày từ 15 đến 17/3 (10-12/2 âm lịch) đã diễn ra Lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử - Tiên Dung năm 2019...