Du khách và người Sài Gòn có thể vừa uống cà phê, vừa ngồi thuyền dạo một khúc kênh Nhiêu Lộc
Chỉ với giá vé 30.000 đồng/người vào buổi sáng, từ 8 giờ đến 11 giờ, bạn có thể ngồi trên thuyền, di chuyển từ bến Thị Nghè (Q.1) đến bến Lê Văn Sỹ (Q.3). Chiều dài của quãng đường này khoảng 4,5 km.
Nếu đi vào chiều và tối, giá vé có thể lên tới 110.000 đồng đến 220.000 đồng tùy theo thời gian đi và loại thuyền (thuyền Phụng, thuyền Qui), được nghe đờn ca tài tử, xem diễn ảo thuật, ăn trái cây, nghe thuyết minh... Nếu nhóm du khách có nhu cầu ăn tối trên thuyền với món ăn đặt sẵn, giá vé là 299.000 đồng/người.
Bến thuyền Thị Nghè. Ảnh: Giang Vũ
Một buổi sáng thứ 7, khoảng 9 giờ sáng, tôi có mặt ở bến thuyền Thị Nghè (số 1 Hoàng Sa, phường Đa Kao, Q.1) để trải nghiệm đi thuyền nội đô trên kênh Nhiêu Lộc.
Tại bến thuyền này, có rất nhiều người đang ngồi cà phê, ăn sáng tại đây. Nhiều vị khách cho biết, họ đã thử đi một lần từ bến quận 1 đến quận 3 rồi, nhưng cũng chỉ một lần thôi, sau đó thì thành thói quen ngồi cà phê trên bờ, ngắm khách du lịch vào ra trên bến. Cũng vui mắt!
Nếu không thích ngồi cà phê trên bờ thì ngay dưới bến, có rất nhiều thuyền có ghế, bàn sẵn sàng, bạn chỉ cần mua đồ uống rồi xuống thuyền ngồi thoải mái, tha hồ chụp hình.
Chiếc thuyền vài chục chỗ ngồi hôm ấy, mặc dù chỉ có tôi và hai vị khách nữa nhưng thuyền vẫn chạy. Do thời gian vào buổi sáng nên giá vé lên thuyền chỉ 30.000 đồng/người. Người lái thuyền cho biết, nếu chỉ có một khách thì thuyền vẫn khởi hành bình thường vì phải phục vụ du khách hết lòng. Nếu tính ra thì chuyến đi này, nhà thuyền không những không lời mà còn lỗ nặng.
Mua đồ uống từ quán cà phê bến thuyền mang theo (cà phê, sinh tố, nước dừa, nước suối), bạn có thể ngồi tận hưởng làn gió mát khi thuyền rời bến. Dòng sông nước trong và xanh, nhìn bằng mắt thường thấy khá sạch, đặc biệt không có mùi xú uế bốc lên, thật trái với hình dung của tôi về kênh Nhiêu Lộc đen ngòm và hôi thối trong ký ức.
Trên đường đi, tôi nhìn thấy một chiếc ca nô đi vớt rác trên kênh, chủ yếu là bao nilon, chai nhựa và rác sinh hoạt. Anh Quốc Lâm, một hướng dẫn viên du lịch nói với tôi rằng, sở dĩ du lịch trên kênh Sài Gòn chưa trở nên hấp dẫn đông đảo du khách gần xa và cả người Sài Gòn là do dòng kênh nội đô vẫn phải "gánh" rác thải, nỗ lực làm sạch dòng kênh của thành phố rất cần sự ủng hộ của người dân.
Khi thuyền tới giữa đoạn đường của hai bến thuyền, người hướng dẫn neo ca nô vào một con thuyền nhỏ, một ban nhạc đờn ca tài tử hai người đã chờ sẵn chúng tôi trên dòng kênh. Tiếng đàn và hát vang lên chào đón, âm thanh dập dềnh trên sóng nước.
Đã nghe đờn ca tài tử trên ti vi hoặc một số nơi khác, nhưng thú thực, cảm giác nghe ca trên dòng kênh sóng nước bỗng trở nên thi vị và lắng đọng hơn nhiều.
Thuyền tiếp tục đi tới bến Lê Văn Sỹ sau khi ban nhạc biểu diễn xong, cảnh hai bên bờ thú thực là không có gì đặc sắc, ngoài ngôi chùa mà chúng tôi lướt ngang qua. Đây chính là một hạn chế về cảnh quan khiến cho việc đi thuyền trên kênh chỉ dừng lại sự thú vị về dòng nước và các hoạt động mà nhà thuyền tạo ra.
Gần đến bến thuyền 2, gần cầu Lê Văn Sỹ, mặt kênh lại có nhiều rác hơn đoạn giữa, đây đó có vài con cá chết nổi lên, lúc này ca nô vớt rác đang ở gần đó, chưa kịp làm sạch. Vị khách đi cùng tôi lắc đầu: "Giá như người dân hiểu được tiềm năng du lịch của dòng kênh này, có ý thức giữ gìn dòng nước sạch sẽ thì sẽ có nhiều người mong muốn trải nghiệm đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc nữa".
Lên bến thuyền 2 dạo một lúc, đây cũng là một quán cà phê mà người dân ở gần đó hay ngồi. Chúng tôi được tặng một ly trà đá và lên ca nô trở về bến xuất phát.
Nhiều người cho rằng, đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc không có gì thú vị. Tuy nhiên, với giá vé chỉ 30.000 đồng/người thì việc đi thuyền từ bến quận 1 tới bến quận 3 vào buổi sáng, vừa ngồi uống cà phê, vừa ngắm nhìn dòng nước và hưởng làn gió mát, lại được nghe đờn ca tài tử thì cũng đáng thử một lần lắm chứ.
Giang Vũ/thanhnien.vn
Tối 7/9, UBND TP.HCM tổ chức gala “Tinh hoa gạo Việt” để chào để chào đón các đoàn khách trong nước và quốc...
Sở Du lịch TP.HCM vừa tổ chức hội thảo “Tiềm năng du lịch kinh doanh tại TP.HCM và Việt Nam”. Hội thảo có hơn...
Sáng nay (8/9), TP.HCM khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM 2022 (ITE HCMC 2022). Tham dự lễ khai mạc có...
TP. Hồ Chí Minh bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế từ giữa tháng 3/2022 đến nay, các hoạt động du lịch kèm theo...
Vào ngày 23/7 tới đây, tại Quảng trường The Garden Mall (Quận 5), chương trình “Về Chợ Lớn xem múa Lân” do...
Tối 16/7, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ chào đón đoàn khách du lịch MICE (tức du lịch kết hợp hội...
Mùa hè này được kỳ vọng là thời điểm để ngành du lịch trong nước phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Vì...
Tối 14/5, TP.HCM khai mạc Ngày hội du lịch TP.HCM lần thứ 18 tại công viên Lê Văn Tám, Quận 1. Ngày hội năm...
Tối ngày 12/5, hàng ngàn người dân và Phật tử đã đổ về chùa Pháp Hoa (Quận 3, TP.HCM) để tham gia lễ hội thả...
Sở Du lịch TP.HCM cho biết, Ngày hội du lịch TP.HCM lần thứ 18 sẽ diễn ra tại Công viên Lê Văn Tám (Quận 1)...
Tối ngày 28/4, tại khuôn viên tòa nhà Landmark 81 ở TP.HCM, lần đầu tiên một lễ hội dành riêng cho gia vị...
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay kéo dài 4 ngày nên các khu vui chơi, giải trí ở TP.HCM đang ráo riết lên các...