Thành phố Buôn Ma Thuột nằm trong vùng cao nguyên phía Tây của dãy Trường Sơn, là thành phố trực thuộc tỉnh Đắk Lắk với diện tích tự nhiên 37.718 ha, chiếm khoảng 2,87% diện tích tự nhiên tỉnh Đắk Lắk, bao gồm 13 phường và 8 xã.
Với vị trí đặc biệt, giao thông đối ngoại gắn kết Buôn Ma Thuột với các vùng phụ cận gồm có giao thông đường bộ và đường hàng không.
Thành phố Buôn Ma Thuột nằm trong vùng cao nguyên phía Tây của dãy Trường Sơn, có độ cao trung bình 500 m so với mặt nước biển, địa hình dốc thoải. Quỹ đất tại thành phố Buôn Ma Thuột phần lớn đã được khai thác và đưa vào sản xuất trong nhiều năm nay với những thế mạnh chính về cây công nghiệp, đặc biệt cà phê Buôn Ma Thuột được đánh giá là ngon nhất Việt Nam.
Thành phố Buôn Ma Thuột chịu chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhưng đồng thời cũng chịu ảnh hưởng mạnh của tiểu vùng khí hậu cao nguyên phía Tây dãy Trường Sơn, nên khí hậu thành phố cũng có những nét đặc thù, chủ yếu một năm chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô.
Thành phố Buôn Ma Thuột được xem như là một Việt Nam thu nhỏ. Trên địa bàn thành phố có 40 dân tộc trên tổng số 54 dân tộc anh em trên toàn quốc, trong đó dân tộc kinh chiếm khoảng 85%. Trong nhóm dân tộc bản địa, người Ê Đê chiếm số lượng lớn nhất, sau đó là dân tộc Tày, Thái, Hoa, Gia Rai,…
Thiên nhiên ưu đãi cho thành phố Buôn Ma Thuột một mạng lưới hồ thiên nhiên, tạo nên các không gian thoáng đãng, trong lành, là nơi khai thác du lịch rất hấp dẫn và sinh động như hồ Ea Kao (di tích danh thắng cấp tỉnh), hồ Ea Chư Cáp, hồ Ea Nao, hồ Đạt Lý,…
Từ những đặc trưng riêng biệt về điều kiện tự nhiên và con người nơi đây đã tạo cho Buôn Ma Thuột một nét văn hóa đặc sắc. Từ ngàn xưa, vùng đất Tây Nguyên đã là cái nôi của nhiều nhóm sắc tộc thiểu số, như: Jrai, Bahnar, Ê-đê, Giẻ, Raglai, Sê-đăng, Xtiêng, Mạ, Brâu, Churu, Mnông... Nhắc đến Buôn Ma Thuột, người ta sẽ nghĩ ngay đến những bản trường ca hào hùng, đến những ngôi nhà sàn, những bức tượng, những lán nhà mồ, nhưng đặc biệt là nhạc cồng chiêng với một không gian văn hóa được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa của nhân loại.
Hiện nay, Buôn Ma Thuột đang là một điểm đến hấp dẫn thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước.
Những điểm tham quan dành cho du khách khi đến Buôn Ma Thuột:
Buôn Cô Thôn
Buôn Cô Thôn hay còn gọi là buôn Ako Dhong, nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hơn 2km về hướng bắc, ở cuối đường Trần Nhật Duật. Ako Dhong tiếng Ê Đê nghĩa là đầu nguồn suối, sở dĩ đặt tên như vậy vì buôn này nằm ngay đầu nguồn suối Ea Nuôl.
Buôn Cô Thôn được xem là buôn giàu mạnh nhất Tây Nguyên và buôn đẹp nhất Buôn Ma Thuột, cũng như là buôn duy nhất hiện giờ còn giữ được dáng dấp, nét độc đáo của buôn làng người Ê Đê.
Đến thăm nơi này, du khách sẽ có cảm giác rất yên bình. Con đường của buôn làng rất sạch sẽ, khang trang. Trước cổng mỗi nhà là những khu vườn nhiều cây xanh. Nhà nào cũng làm nhà sàn, khi xây dựng nhà bê tông thì họ không hề phá bỏ nhà dài mà xây nhà phía sau nhà dài.
Nhà dài được xây dựng bằng các vật liệu từ thiên nhiên, với kiến trúc độc đáo đặc trưng của người Ê Đê. Những ngôi nhà dài là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong một gia đình theo chế độ mẫu hệ, nên mỗi lần gia đình có con gái đi lấy chồng, ngôi nhà sẽ được cơi nới thêm chiều dài.
Tham quan tại Buôn Cô Thôn, du khách còn có thể xem trực tiếp công việc dệt thủ công các mặt hàng thổ cẩm, nghe cồng chiêng, uống rượu cần, thả hồn vào các điệu múa của các cô gái Ê Đê xinh đẹp bên những ngọn lửa bập bùng trong màn đêm huyền diệu.
Chùa Khải Đoan
Chùa Khải Đoan được xếp vào hàng danh lam cổ tự, là ngôi chùa lớn nhất Buôn Ma Thuột nói riêng và cả Đắk Lắk nói chung.
Tọa lạc ngay trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, tại địa chỉ số 117 đường Phan Bội Châu, thuộc phường Thống Nhất hiện nay, chùa Khải Đoan là niềm tự hào của người dân Đắk Lắk. Chùa được bắt đầu xây dựng từ năm 1951, do bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại bảo trợ xây dựng. Tên Khải Đoan chính là do bà Từ Cung đặt, được ghép bởi hai chữ đầu của Khải Định hoàng đế và bà tức Đoan Huy hoàng thái hậu.
Ngôi chùa được bao phủ bằng một lớp gỗ nâu đen bóng và có sự pha trộn giữa phong cách thiết kế nhà rường, cung đình Huế và nhà dài bản địa. Chùa có kiến trúc theo kiểu chữ tam, trước cổng là tam quan, giữa là chính điện, sau là nhà hậu tổ. Cổng tam quan gồm hai tầng với ba vòm cửa.
Bên ngoài chính điện có đặt một quả chuông cao 1,15m, nặng 380kg, được thực hiện bởi các nghệ nhân người Huế với những đường nét chạm khắc tinh xảo. Kiến trúc của chùa Khải Đoan sẽ khiến bạn không khỏi ngỡ ngàng trước sự sáng tạo độc đáo trong phong cách thiết kế của những nghệ nhân thời xưa.
Nhà đày Buôn Ma Thuột
Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trong những nhà tù nổi tiếng tàn ác của đế quốc Pháp ở Đông Dương.
Nhà đày Buôn Ma Thuột do chính quyền thực dân Pháp thiết lập tại Đắk Lắk trong thời kỳ 1930 – 1931 để đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, những Đảng viên cộng sản bị bắt và bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ với một chế độ hết sức khắc nghiệt và tàn bạo.
Nhà đày tọa lạc tại số 18 Tán Thuật, phường Tự An, Tp. Buôn Ma Thuột (ngày nay). Thời Pháp, nhà đày được xây dựng trên diện tích gần 2ha, với 4 bức tường bao quanh, cao 4m, dày 40cm, 4 góc đều có vọng gác và lính canh túc trực. Phía trong có 6 dãy lao tập thể giam giữ tù nhân.
Bên cạnh cổng chính ở phía nam là dãy xà lim, giam giữ tù nhân chính trị được cho là nguy hiểm. Ngoài ra còn có nhà xưởng, bàn giấy, nhà kho và bếp ăn... đây là kiểu bố trí nhà tù truyền thống của thực dân Pháp, mục đích tạo không gian khép kín để giám sát tù nhân một cách hiệu quả. Ở đây suốt từ năm 1930 đến 1945, hàng ngàn lượt tù chính trị Việt Nam đã bị giam giữ, bị chính quyền thực dân Pháp và phong kiến tay sai hành hạ một cách dã man.
Thời Mỹ, Nhà đày có thêm một bức tường ngăn đôi, một bên làm trung tâm cải huấn và một bên làm kho quân nhu, đồng thời mở hai cổng mới ở phía tây, xây thêm nhà Quốc thái dân an, nhà Nguyện, phòng biệt giam, nhà lao nữ... phục vụ cho các mục đích giam giữ và tra khảo.
Hiện nay nhà đày Buôn Ma Thuột thường xuyên mở cửa đón khách tham quan đến học tập tìm hiểu về lịch sử của Đắk Lắk nói riêng và của Việt Nam nói chung với nhiều hình ảnh, hiện vật tái hiện một cách chân thực, sống động những năm tháng khốc liệt của các chiến sỹ cách mạng kiên trung, bất khuất.
Làng cà phê Trung Nguyên
Nằm ngay trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), làng cà phê Trung Nguyên là một cụm công trình kiến trúc có diện tích khoảng 20.000 m2, được chia thành hai khu chính là khu thưởng thức và khu trưng bày, trình diễn.
Khu thưởng thức gồm ba gian nhà chính với tên gọi Cherry, Arabica và Robusta được xây dựng theo phong cách nhà cổ Huế, được bao bọc xung quanh là khu vườn cà phê xanh mướt với nhiều loại cây cà phê như Robusta, Excelsa… và đặc biệt là những gốc cà phê cổ trên 30 năm. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức hương vị đặc biệt của cà phê tươi: Bazano coffee- những hạt cà phê Arabica hảo hạng được rang xay và phục vụ tại chỗ.
Khu trưng bày là nơi du khách có thể tận mắt chứng kiến những hiện vật liên quan đến việc chế biến cà phê. Ở đây, trưng bày các vật dụng từ năm 1700 đến nay với 10.000 hiện vật mang về từ Bảo tàng Cà phê Burg như: máy xay, máy rang, máy chiết suất… Trong đó, có những bộ sưu tập đến từ những địa danh nổi tiếng là vùng nguyên liệu cà phê ngon nhất thế giới như Ethiopia, Brazil, Jamaica.
Làng cà phê Trung Nguyên là nơi tôn vinh sự đam mê và tình yêu đối với cà phê. Ngoài việc được thả hồn vào thiên nhiên thoáng đãng, được thưởng thức những tách cà phê thơm nồng hòa quyện với hương thơm của hoa cà phê sẽ khiến du khách có những cảm giác khó quên khi ghé thăm vùng đất Tây Nguyên lộng gió.
Phạm Dương/ Vietnam Journey