Đã thành truyền thống, từ nhiều năm nay, cứ vào dịp 10/3 âm lịch, các gia đình lại chỉnh trang nhà cửa, sửa soạn bàn thờ, mâm cơm tri ân các vua Hùng. Đây cũng là dịp để gia đình sum họp, đoàn viên, giáo dục con cháu về niềm tự hào là người dân đất Tổ vua Hùng, cội nguồn dân tộc.
Nét mới đặc sắc của giỗ Tổ năm nay là tỉnh tuyên truyền, khuyến khích các gia đình sửa soạn mâm cơm, bái vọng anh linh các vua Hùng vào thời điểm chủ lễ đọc chúc văn trên đền Thượng. Nét mới này được khuyến nghị dựa trên thực tế đã diễn ra từ lâu là vào ngày chính lễ, nhiều gia đình đã có mâm cơm trình bái tổ tiên.
Thực hiện theo hướng dẫn của tỉnh, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thống nhất vào thời điểm thiêng liêng, trang trọng, đúng 7h sáng ngày chính giỗ 10/3 âm lịch.
“Con người có tổ, có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn.”
Thờ cúng tổ tiên là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Việc dâng lễ nên tùy vào duyên cảnh của mỗi gia đình.
Ngoài 2 loại bánh mang biểu tượng của ngày giỗ Tổ là bánh chưng, bánh dày, các gia đình cũng có thể dâng hương hoa hay lễ mặn. Điều quan trọng nhất chính là ở sự thành tâm, tri ân công đức tổ tiên.
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, sợi dây gắn kết cộng đồng, dân tộc luôn là điểm tựa tinh thần để nhân dân ta chiến thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi, xây dựng đất nước.
“Cây có gốc mới nảy cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu."
Thắp nén hương trầm, tưởng nhớ công đức của vua cha, trách nhiệm của mỗi người dân là tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá mà cha ông đã dày công gây dựng, tạo điểm tựa tinh thần để mỗi người tự tin vững bước đến tương lai.
Vietnam Journey/Đài PTTH Phú Thọ