Tis đã chế tác được nhiều loại nhạc cụ như đàn đá, đàn T’rưng, sáo vỗ, … và truyền dạy cách làm, cách sử dụng cho các em nhỏ ở Nhà lưu trú Têrêssa (thành phố Buôn Ma Thuột); qua đó, hình thành đội văn nghệ, thường xuyên đi biểu diễn phục vụ du khách ở nhiều nơi.
Tis tự làm các bộ nhạc cụ và hướng dẫn cho đội văn nghệ Nhà lưu trú
Bên hiên nhà dài trong khuôn viên Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, một nhóm các bạn trẻ đang chăm chú lắp ráp hoàn thiện cây đàn T’rưng. Qua bàn tay khéo léo của anh Tis – chàng trai người Sê Đăng, thành viên chủ chốt của đội văn nghệ nhà lưu trú Têrêsa, những thanh nứa đã lên khuôn nhạc, vút lên những âm thanh đầu tiên. Vừa thực hiện, Tis vừa hướng dẫn cho 2 bạn nhỏ.
Sinh năm 1993, ở buôn Hằng, xã Ea Ui, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, Tis đến nhà lưu trú từ khi còn học tiểu học. Sơ Nguyễn Thị Thuận, Phụ trách Nhà Lưu trú Têrêsa cho biết, sau khi học hết phổ thông, Tis được các sơ giới thiệu đi học nghề mỹ nghệ và về dạy lại cho các em ở trong nhà lưu trú. Sơ Nguyễn Thị Thuận phát hiện khả năng cảm thụ âm nhạc của Tis rất tốt nên tạo điều kiện cho anh thử sức với nhạc cụ Tây Nguyên.
Gần một năm tìm hiểu, trải nghiệm với các nguyên liệu và học hỏi từ các nghệ nhân, Tis đã tự mày mò, chế tác ra bộ đàn đá, rồi đến các nhạc cụ khác như T’rưng, sáo vỗ, bộ đệm gõ…
Vừa chế tác, anh vừa tự học cách sử dụng từng loại nhạc cụ. Tis chia sẻ, do chưa được đào tạo qua trường lớp nên anh còn hạn chế về nhạc lý. Bản thân anh đang tự học thêm để khắc phục những hạn chế này, đồng thời có thêm kiến thức để truyền dạy lại cho các em nhỏ trong đội văn nghệ.
Tis tự mày mò, chế tạo ra bộ đàn đá
Tis cho biết: "Tôi bỏ ra 1 năm nghiên cứu và mày mò để làm khắp nơi, gặp các bệnh nhân và đi tìm nguyên liệu là chính. Rồi sau đó tôi khi bắt đầu tự mày mò làm thử, đầu tiên là đàn đá. Sau khi thành công đàn đá thì tôi mới bắt đầu làm các nhạc cụ khác. Trong quá trình chế tác, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn như đầu tiên là về các nốt, các quãng rất khó khăn. Nhưng sau khi theo dõi rất nhiều kênh và các thế hệ đi trước, các nghệ nhân thì những hạn chế về các nốt các quãng giờ cũng đỡ hơn. Và hiện tại khi tôi truyền lại cho các em thì các em cũng gặp phải những điều đó."
Năng khiếu và cái duyên với nhạc cụ dân tộc trở thành niềm đam mê, được Tis truyền lửa đến các em nhỏ ở nhà lưu trú Têrêsa, thành phố Buôn Ma Thuột. Nỗ lực của Tis đã góp phần làm cho đội văn nghệ của Nhà Lưu trú Têrêsa được nhiều nơi biết đến. Đội đã đi biểu diễn cho khách du lịch ở Buôn Đôn và Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk , với các tiết mục như: hòa tấu “Bình minh trên Tây nguyên” và “Vui hội mùa hè”.
Vừa chế tác nhạc cụ, Tis vừa tự học cách sử dụng
Trong đội văn nghệ, Tis được xem là người anh cả và rất được các em trong nhà lưu trú yêu mến. Ngưỡng mộ khả năng của Tis, em Ngân Văn Chiến (dân tộc Thái) ở nhà lưu trú Têrêsa đang cùng một số bạn khác theo học Tis để biết được nhiều hơn về các loại nhạc cụ dân tộc.
Em Chiến cho biết: "Khi vào đây, em thấy mấy anh đánh nên em xem và thích, đam mê. Thấy các anh khi nào lên đây thì em cũng lên để xem và tập. Đến năm nay thì được anh Tis dạy bọn em. Cách truyền đạt của anh Tis khi dạy rất dễ hiểu, dễ nhớ và học thuộc rất nhanh. Em mong muốn em cũng sẽ đánh được như anh Tis và biết làm các loại đàn t'rưng, đàn đá và được đi diễn ở nhiều nơi."
Bà Mai Nhiệm - Việt kiều Australia chia sẻ, mỗi lần về Việt Nam chơi, bà đều dành thời gian đến thăm các em ở nhà lưu trú Têrêsa và học cách sử dụng nhạc dân tộc cùng các em. Bà đã đặt hàng 7 bộ nhạc cụ do Tis làm và đưa về nước Australia, trong đó có 2 bộ đàn đá và 5 bộ T’rưng.
Đội văn nghệ nhà lưu trú được đi biểu diễn nhiều nơi và được mời ghi hình một số chương trình ca nhạc
Theo bà Mai Nhiệm, đó là cách giúp bà giới thiệu âm nhạc Tây nguyên đến với người dân nơi bà đang sống. Qua những lần bà biểu diễn tại Australia, sự độc, lạ từ bộ trang phục và nhạc cụ khiến người xem thích thú.
"Ba bốn năm về trước, tôi đến đây với mục đích giúp các em những gì tôi có thể. Nhưng rồi một ngày, tôi phát hiện ra các em có nhiều nhạc cụ của Tây Nguyên và các em có thể tự sáng tác. Như em Tis đây thì em làm được nhiều nhạc cụ, em chế tác nhạc cụ. Vì vậy, tôi cố gắng dành thời gian để tới với các em, tôi học và cố gắng sử dụng những nhạc cụ mà các em làm ra." - bà Mai Nhiệm cho biết.
Hiền lành, ít nói, chàng trai người Sê Đăng chọn âm nhạc là tiếng đàn đá thánh thót hay tiếng T’rưng vui tươi để biểu lộ tâm trạng, thỏa niềm đam mê. Sự đam mê ấy đã truyền cảm hứng để có thêm nhiều em nhỏ được tiếp xúc với âm nhạc và nhạc cụ truyền thống, nhen lên sự yêu thích của các em với những nhạc cụ này.
VOV Tây Nguyên