Ra đời dựa trên bối cảnh nạn đói ở Việt Nam năm 1945, 'GẠO' là vở kịch dài thứ tư do Trang Linh, người sáng lập Mắt Trần Ensemble, biên kịch và đạo diễn, nhằm khám phá bản chất của con người trong một hoàn cảnh khắc nghiệt. 'GẠO' được phát triển từ một tiểu phẩm dựng cho Drama of Works và ra mắt tại Dixon Place, New York trong khuôn khổ Punch: Kamikaze, trong đó các nghệ sĩ được mời sáng tác những tác phẩm theo chủ đề về chiến tranh thế giới thứ II.
Điều đặc biệt của buổi trình diễn này là thông qua ngôn ngữ rối đương đại, chuyển động cơ thể và nhạc sống, người xem được mời gọi vào một không gian, thời gian mà ở đó họ có thể bước qua các ranh giới về thể loại, ngôn ngữ, tuổi tác để cùng chìm đắm và cảm nhận tác phẩm trọn vẹn.
Khác với khái niệm rối thường được hiểu ở Việt Nam, thực hành rối của Mắt Trần Ensemble cải biên và sáng tạo dựa trên nhiều truyền thống rối khác nhau, có thể kể tới như Bunraku (truyền thống rối Bunraku lâu đời của Nhật Bản), Wangya (truyền thống rối bóng của Indonesia) cùng các yếu tố khác như ánh sáng, sắp đặt, video projection.
Rối đối với Mắt Trần Ensemble là cách kể chuyện với hơi thở và chất liệu, không phải là với những hình tượng người. Và rối được xem như phần mở rộng của người điều khiển rối, nhưng đôi khi chúng còn có thể tạo ra những điều kỳ diệu mà con người không thể.
Trước buổi biểu diễn, khán giả còn có thể tham gia vào workshop tạo hình nhân vật rối từ chất liệu giấy xi măng và học cách điều khiển rối để kể chuyện bằng rối vào lúc 14h00-17h00. Workshop thích hợp với mọi lứa tuổi.
Hiền Lê, toquoc.vn