Bánh chưng
Có từ thời vua Hùng, chiếc bánh chưng của người dân miền Bắc có hình vuông tượng trưng cho mặt đất, còn những chiếc lạt buộc bên ngoài tượng trưng cho sự gắn bó của một gia đình.
Để cho ra đời được một chiếc bánh chưng ngon thì khâu chọn nguyên liệu vô cùng quan trọng. Trước tiên phải là lá dong. Lá dong có tươi, xanh thì khi luộc hương thơm và màu sắc mới ngấm vào bên trong, tạo nên mùi thơm đặc trưng không thể lẫn với các loại bánh khác.
Lá dong là một trong những nguyên liệu quyết định "thành bại" của bánh chưng
Phần nguyên liệu làm bánh gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, tiêu, gia vị… Gạo và đậu xanh phải ngâm ít nhất 10 tiếng mới đem sử dụng. Thịt làm nhân cũng phải ướp gia vị sao cho vừa miệng.
Những nguyên liệu chính để gói bánh
Khâu gói bánh lại đòi hỏi sự khéo léo. Các bà các mẹ ngày xưa cứ thoăn thoắt đôi tay vài phút là đã cho “ra lò” được những chiếc bánh vuông vắn. Ngày nay, người ra đã sáng tạo ra những chiếc khuôn để việc gói bánh được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đa phần nhiều người vẫn thích gói theo cách truyền thống.
Thịt lợn kết hợp cùng đậu xanh và gạo nếp tạo ra món bánh cổ truyền này
Khâu luộc bánh là quan trọng nhất. Theo kinh nghiệm của các cụ thời xưa, bánh chưng phải luộc bằng bếp củi trong vòng 12 giờ bánh mới đủ độ chín, không nát, không sượng hay lại gạo.
Những chiếc bánh đã sẵn sàng vào nồi
Đã bao lâu rồi bạn chưa được nhìn thấy hình ảnh ấm áp này?
Những chiếc bánh sau khi luộc xong thường được đè lên trên những vật nặng ép cho ra nước, như thế bánh bóc ra ăn sẽ ngon hơn rất nhiều. Thử tưởng tượng trong những ngày xuân, quây quần cùng gia đình đón Tết, thưởng thức những chiếc bánh chưng thơm ngon thì còn gì tuyệt vời hơn.
Bánh tét
Nếu người miền Bắc có bánh chưng, thì người miền Nam lại có bánh tét. Cũng tương tự như bánh chưng, phần nhân gồm gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn, nhưng phần lá gói thay lá dong bằng lá chuối. Nếu như bánh chưng có hình vuông, thì bánh tét lại có hình trụ dài, khi bóc ra ăn thường cắt thành những khuôn tròn trông rất đẹp mắt.
Hình trụ dài là nét đặc trưng của bánh tét
Để có được những chiếc bánh tét thơm ngon, người miền Nam cũng rất kỳ công trong khâu chọn nguyên liệu. Gạo nếp ngon, không bị lẫn gạo tẻ. Đậu xanh đãi vỏ nấu nhuyễn. Dừa khô nạo nhỏ vắt lấy nước cốt. Lá dứa giã nhuyễn, lọc lấy nước trộn hòa vào nếp để lấy mùi thơm. Bánh sau khi gói xong đem luộc. Quá trình luộc bánh tét nhanh hơn bánh chưng, chỉ chừng 8 tiếng là đủ.
Màu xanh của lá, mùi thơm của nếp, của lá dứa, vị ngọt bùi của nhân là hương vị khó quên cho mỗi ai có cơ hội thưởng thức món đặc sản ngày Tết này của người dân Nam Bộ.
Những chiếc bánh tét sau khi luộc chín được cắt thành khuôn tròn
Giờ đây, khi xã hội phát triển, không khó để tìm mua một chiếc bánh chưng hay bánh tét. Nhưng có lẽ, cảm giác đầm ấm, sum họp, thì chỉ có thể tìm thấy trong những chiếc bánh do tự tay gia đình chuẩn bị. Còn với những người con xa quê sống ở nước ngoài, ngửi thấy mùi bánh chưng, bánh tét, là như đang được trở về quê hương.
Lương Trang