Bánh mì xíu mại trứng muối lạ miệng
Ẩm thực Sài Gòn rất đa dạng và phong phú với nhiều những món ăn "đốn tim" giới trẻ. Nếu đến đây, bạn không nên bỏ qua món bánh mì xíu mại trứng muối - món ăn đường phố đầy hấp dẫn và lạ miệng.
Theo Zing, điểm đặc biệt của món ăn này chủ yếu nằm ở phần xíu mại. Không giống với thịt viên thông thường, loại xíu mại này được bổ sung thêm nhân trứng muối. Ngoài ra, bên trong ổ bánh còn bao gồm một số thành phần khác như mỡ hành, đồ chua, thịt bò nướng và tóp mỡ. Các công đoạn để chế biến món ăn này khá đơn giản. Đầu tiên, người bán sẽ phết một lớp mỡ hành mỏng vào ruột bánh, tiếp đến là một ít đồ chua. Thịt bò nướng và xíu mại trứng muối là 2 nguyên liệu được cho vào sau cùng. Nếu muốn thưởng thức với hương vị đậm đà hơn, bạn có thể rưới thêm một ít nước mắm lên phần nhân bên trong.
Nếu muốn thưởng thức với hương vị đậm đà hơn, bạn có thể rưới thêm một ít nước mắm lên phần nhân bên trong. Ảnh: Mysteriousaigon.
Một ổ bánh mì có giá dao động từ 20.000 - 30.000 đồng, tuỳ thuộc vào các loại nhân khác nhau. Thực khách có thể thưởng thức món ăn hấp dẫn này tại một cửa hàng bánh mì trên đường Hồ Xuân Hương, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Quán mở bán buổi sáng từ 6 - 10h và chiều từ 12 - 19h.
Cháo sá sùng
Sá sùng là hải sản quý, có nhiều ở các bãi cát pha bùn từ bắc vào nam như biển Vân Đồn (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Bến Tre, Bạc Liêu… Cháo sá sùng được xem là đặc sản ở các vùng biển nước ta.
Sá sùng là cách gọi phổ biến của các hàng quán ở Sài Gòn. Ngoài ra còn nhiều tên khác nhau như trùng biển, sâu cát, chặt khoai, giun biển, địa sâm, bi bi, con cạp đất…
Sá sùng có hàm lượng dinh dưỡng khá cao, thường được chế biến món ăn để bồi bổ sức khỏe. Ảnh: VNE
Theo VnExpress, chị Huyền, chủ quán cháo sá sùng ở quận Tân Phú cho biết, khâu chọn nguyên liệu sẽ quyết định hương vị món ăn. “Để nhận biết sá sùng ngon, người sành ăn chọn những con có mình dày, kích thước đều, có mùi thơm đặc trưng chứ không tanh”, chị nói. Sau đó, người chế biến phải tỉ mỉ làm sạch từng con vì trong ruột chúng có chứa nhiều cát, khiến cháo mất vị ngon.
Khác với cách ninh hầm giống cháo sườn, cháo sá sùng ở Sài Gòn được chế biến theo kiểu cháo Tiều của người Hoa, ăn đến đâu thì nấu riêng lượng cháo và các nguyên liệu đến đó. Do vậy, sá sùng vừa chín tới, không bị dai mà còn giữ được độ giòn sần sật. Tô cháo khi nấu chín không tanh mà có vị thơm ngọt tự nhiên từ sá sùng. Mỗi tiệm cháo có một bí quyết nêm nếm gia vị khác nhau, nhưng đều đảm bảo vị ngọt thanh và bùi.
Thức ăn kèm cháo bao gồm rau tần ô (cải cúc) được trụng sẵn trong tô và gừng thái mảnh để trên mỗi bàn ăn. Các loại rau vừa tạo vị thơm vừa cân bằng tính hàn nhiệt của món ăn, tốt cho sức khỏe.
Theo danviet.vn