Bánh mỳ là món ăn đường phố phổ biến, chúng ta có thể bắt gặp ở khắp nơi, nhưng có lẽ không đâu có bánh mỳ ngon như ở Sài Gòn. Bạn đã từng nghe nói hoặc ăn nhiều loại bánh mỳ như: bánh mỳ chả, pate, trứng, xúc xích, thịt heo quay, bơ, sữa… nhưng bánh mỳ phá lấu thì đã ăn chưa? Nếu chưa hãy đến Sài Gòn nhé.
Phá lấu đối với nhiều nghe có vẻ lạ nhưng với người Sài Gòn thì khá quen thuộc. Đến Sài Gòn mà không ăn bánh mỳ phá lấu thì đáng tiếc vô cùng vì nó là món ăn độc đáo, ngon nức tiếng của đất Sài Thành.
Bánh mỳ ăn với phá lấu bò, ăn kèm rau răm và nước mắm ớt chua ngọt.
Phá lấu là từ trong tiếng Tiều (Triều Châu, Trung Quốc) dùng để chỉ món ăn đặc trưng của họ, theo dòng nhập cư của người Tiều vào nước ta thì nó ngày càng phổ biến và được yêu thích ở TPHCM. Từ “lấu” theo tiếng Tiều có nghĩa là ướp với các gia vị cay khiến cho mùi tanh của “phá” (thịt động vật, thực phẩm) giảm đi. Để tránh lãng phí, người Tiều lấy thịt, thường là bò, heo, gà và vịt, nhất là nội tạng mà không dùng hết, đem cắt tất cả thành những miếng vừa ăn, ướp với ngũ vị hương và một số nguyên liệu khác rồi nấu lên đến chín nhừ, gọi là phá lấu. Nồi phá lấu của người Tiều có thể để quanh năm suốt tháng trên bếp lửa, hết nước lại châm vào, rồi cho thêm chút muối là có thể ăn dần trong cả năm.
Một bát phá lấu bò có giá dao động từ 25-30 nghìn đồng là khá đầy đủ các bộ phận nội tạng bò và thơm ngậy nước cốt dừa.
Phá lấu theo cách nấu của người Sài Gòn ngày nay, thường dùng lòng bò hoặc heo kết hợp với các bộ phận nội tạng khác được ướp gia vị gồm có ngũ vị hương, đại hồi, tiểu hồi,… nấu với nước cốt dừa và nước dừa tươi dùng kèm với bánh mì, rau răm và một ít nước chấm pha. Chính sự biến tấu kết hợp với nước dừa khác với truyền thống người Tiều mà phá lấu Sài Gòn ngon hơn, thơm hơn và dễ ăn hơn. Một miếng bánh mỳ chấm nước phá lấu béo ngậy tan trong miệng, lòng bò thơm mềm cùng với rau răm chấm nước mắm ớt chua ngọt khiến bạn ăn một lần không thể nào quên.
Nước mắm ớt pha chua ngọt không thể thiếu khi ăn bánh mỳ phá lấu.
Cô Lâm Mỹ Lan, một người Việt gốc Hoa đã bán phá lấu hơn 30 năm ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết, phá lấu có ở khắp các con phố, ngõ hẻm của Sài thành, song để ăn phá lấu ngon, đúng vị nhất phải là phá lấu do người Việt gốc Hoa nấu, bởi dù phá lấu ngày nay biến tấu so với truyền thống người Tiều nhưng vẫn có bí quyết riêng không phải ai cũng biết. Muốn ăn phá lấu có vị bí truyền của người Trung Hoa, bạn phải đến các con đường như: Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập, Mai Văn Vĩnh,... quận 7, TPHCM.
Nồi phá lấu của quán Cô Lan trên đường Mai Văn Vĩnh, quận 7, TPHCM.
Cô Lâm Mỹ Lan, người Việt gốc Hoa đã có hơn 30 năm bán Bánh mỳ phá lấu trên đường Mai Văn Vĩnh, quận 7, TPHCM.
Nguyên liệu phá lấu là thịt và nội tạng của động vật nên chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, nhưng cũng chứa hàm lượng chất béo bão hòa và lượng cholesterol rất cao. Vì vậy, nên chỉ dùng với lượng hạn chế nhất định. Tuy nhiên, nếu có dịp đến thành phố Hồ Chí Minh, bạn nhất định phải thử 1 bát phá lấu bò cùng với bánh mỳ nhé, đảm bảo ngon vô cùng.
Đừng lo vì 1 bát phá lấu nhỏ sẽ không làm bạn tăng cân hay tăng cholesterol đâu./.
Mai Cát/VOV TP.HCM