Từ UBND xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) đi dọc theo Tỉnh lộ 677 khoảng 4km rồi rẽ trái, chúng tôi men theo con đường đất tiến vào thác Bring. Ngay từ khoảng cách còn rất xa, chúng tôi đã nghe được tiếng ầm ầm thác đổ, át cả tiếng xe máy đang di chuyển trên đường. Chỉ như vậy, đủ để mỗi người chúng tôi mường tượng sự hùng vĩ, kích thước, độ cao thác nước mà chúng tôi đang hướng đến. Điều đặc biệt là xuyên suốt cả chặng đường vào thác, chúng tôi không gặp bất kỳ bóng dáng của một khách du lịch nào, điều này càng củng cố thêm niềm tin về việc thác nước còn hoang sơ, chưa bị con người tác động.
Chạy chừng khoảng gần 3km, thác nước Bring hiện lên trước mắt chúng tôi với dáng vẻ hùng vĩ, uy nghi, sừng sững giữa rừng.
Già làng A Hành, thôn Kon Lỗ (xã Đăk Tơ Lung) - người dẫn đường cho chúng tôi cho biết: “Là người địa phương gắn bó nhiều năm với mảnh đất này, tôi vốn không lạ gì với thác Bring. Đây là địa điểm mà tôi thường xuyên tới lui mỗi khi hoàn tất công việc nhà cửa, đồng áng. Tuy nhiên, cứ mỗi lần nhìn thấy thác Bring, trong tôi lại dâng lên một cảm xúc tự hào, lâng lâng đến khó tả. Tôi vui vì vẻ đẹp và sự uy nghi của thác nước, vì quê hương mình vẫn còn những nơi hoang sơ và hùng vĩ!”.
Từ nơi để xe máy xuất phát đến chân thác một quãng đường ngắn, chúng tôi men rừng và có lúc nhảy cóc trên các tảng đá lớn trồi trên dòng nước. Thác Bring gồm 2 tầng, có chiều cao trên 200m. Xung quanh thác được bao bọc bởi những bức tường cây xanh ngát, che khuất cả tầm mắt. Từ trên cao nhìn xuống, dòng thác Bring trông mềm mại, nhẹ nhàng bởi những làn nước trắng xóa, hệt như mái tóc dài của một cô gái đang đắm mình trong cảnh sắc của rừng núi Tây Nguyên. Dưới chân thác là một hồ rộng, độ sâu chỉ tầm người đứng, nước trong veo, có thể nhìn rõ từng viên đá nhỏ.
Lắng nhìn thác, già A Hành tự hào cho biết, nguồn nước của thác Bring bắt nguồn từ sâu trong rừng, vượt qua địa phận của xã Đăk Tơ Lung. Vào mùa mưa, dòng nước trở nên cuồn cuộn đổ từ đỉnh thác xuống, tạo nên tiếng ầm ầm vang vọng một góc rừng.
Từ thác, những hạt “bụi” nước tỏa ra xung quanh, mát lạnh khiến những người ở phố thị như chúng tôi rất thích thú. Tuy nhiên, đối với bà con tại các thôn làng xung quanh thì ngược lại, họ yêu thích thác Bring vào mùa khô hơn. Mùa khô khí trời oi bức, nhiều người thường tập trung tại đây để cảm nhận cái mát mẻ, tận hưởng cái cảm giác “cây nhà lá vườn” mà thác Bring mang lại.
Đang thích thú lưu lại vẻ đẹp của thác Bring, chúng tôi bắt gặp một nhóm 5 người cũng vừa mới đến, khoác trên vai những chiếc ba lô lỉnh kỉnh đồ đạc. Thấy lạ, chúng tôi liền tiến đến chào hỏi thì mới biết, họ là một cặp đôi sắp cưới và đoàn ekip đến thác chụp ảnh. Say đắm trước vẻ đẹp kì vĩ và hoang sơ, cặp đôi sắp cưới cùng đội ngũ “hậu cần” nhanh chóng ghi hình.
Anh Đỗ Văn Đức (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) - người trong cặp đôi sắp kết hôn, hào hứng: Trong một lần tình cờ đến với xã Đăk Tơ Lung, tôi được một người bạn dẫn đến tham quan thác nước này. Chính vì bị choáng ngợp trước phong cảnh nên thơ của thác Bring, lần này tôi đến với thác là để lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất của đời mình, để album tập ảnh cưới sắp tới thêm chỉn chu, hoàn mỹ. Thật tuyệt vời khi địa phương mình vẫn còn những địa điểm hoang sơ và đẹp đến lạ. Tôi tin rằng trong tương lai không xa, thác Bring sẽ là điểm đến của rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.
Chứng kiến cặp đôi đang tất bật tạo dáng chụp ảnh, già A Hành cười thích thú: Không chỉ nhận được vẻ đẹp ưu đãi từ tự nhiên, thác Bring đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở đây. Chẳng biết từ khi nào, người dân có phong tục thờ thác nước Bring này.
Chỉ tay lên tảng đá lớn gần chân thác, già A Hành thủ thỉ, thời xưa, người dân trong làng thường đặt một chiếc ngà voi lên tảng đá này, sau đó thường xuyên thờ cúng. Cứ định kỳ hàng tháng sẽ lấy máu gà hoặc máu heo để cho thác “ăn”. Bởi theo dân làng quan niệm, khi có tai ương sắp sửa ập đến, thác nước sẽ thông báo cho cả làng biết để lánh nạn.
Cho đến hiện tại, bà con đã không còn duy trì tập tục này nữa, tuy nhiên mọi người vẫn thường xuyên đến thác vào các dịp đặc biệt như: Lễ tết, hội mừng lúa mới... để cúng Yàng cầu mong bình an, sức khỏe và mùa màng bội thu. Bởi người dân quan niệm, thác Bring chính là cầu nối để Yàng có thể nghe được những lời thỉnh cầu của họ.
Không chỉ giữ vai trò tâm linh, nguồn nước từ thác Bring chảy xuống hiện đang được bà con sử dụng tưới tiêu, canh tác trên hàng chục ha ruộng lúa và cây ăn quả. Nông sản thu được qua canh tác nuôi sống và là nguồn thu nhập chính đối với nhiều hộ gia đình trên địa bàn. Bên cạnh đó, bà con cũng thường xuyên dùng nguồn nước này để sinh hoạt và uống hàng ngày. Cũng chính vì để tỏ lòng biết ơn với thác Bring, vào những dịp định kỳ, bà con tại các làng xung quanh thường xuyên tổ chức lên thác để dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm, giữ cho thác luôn sạch sẽ, đẹp đẽ trong mắt của tất cả mọi người.
Để tìm hiểu về việc khai thác thác Bring phát triển du lịch, trên đường trở về, chúng tôi ghé lại UBND xã Đăk Tơ Lung. Qua trao đổi, ông Đào Thanh Sang - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Lung cho biết: Hiện tại, UBND xã đã và đang xây dựng kế hoạch cụ thể để khai thác thác Bring, đưa nơi này trở thành điểm phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Đồng thời, UBND xã có phương án kêu gọi doanh nghiệp và cấp trên đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ phát triển du lịch…
Trở về sau chuyến hành trình đầy thú vị, chúng tôi lưu giữ những hình ảnh hùng vĩ, nên thơ của thác Bring trong ký ức và tự hứa với lòng sẽ quay lại nơi đây vào một ngày không xa. Và trong thâm tâm, tôi mong rằng, khi xúc tiến khai thác thác Bring phát triển du lịch, các cấp, các ngành và chính quyền địa sẽ làm cho thác đẹp hơn và giữ lại được phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ như vốn có của thác.
Theo Báo Kon Tum
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |