Một góc thành Hà Tĩnh xưa (ảnh Huy Tùng)
Tìm trong ký ức
Những tư liệu về thành Hà Tĩnh đều ghi lại rằng, năm 1875, vua Tự Đức cho tái lập tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh thành lại dời về thành cũ ở Trung Tiết. Đến năm Nhâm Ngọ (1882), thành Hà Tĩnh mới được xây dựng bằng đá ong.
Thành xây theo kiểu Vô-băng, một kiểu thành phòng ngự rất được ưa chuộng ở châu Âu thế kỷ XVIII: Thành có 4 cửa, các cổng thành xây bằng gạch khá kiên cố, hướng về phía Nam gọi là cửa tiền, trên cổng có vọng lâu, có treo một quả chuông lớn để điểm giờ gác, do lính khố xanh phụ trách. Hướng về phía Bắc là cửa hậu, vọng lâu trên cổng làm vọng gác nhà lao bên trong. Hướng về phía Tây là cửa hữu, trên vọng lâu có treo một cái trống lớn, cũng để điểm giờ do lính khố lục phụ trách. Hướng về phía Đông là cửa tả, cửa này đóng kín quanh năm, vì ở phía trong là doanh trại lính khố xanh, phía ngoài là nghĩa địa của người Pháp. Từ các cổng thành có các cầu bằng gạch xây cuốn vượt qua hào thành ra ngoài. (Theo: Thành phố Hà Tĩnh, theo dòng lịch sử, NXB Chính trị quốc gia sự thật, trang 57)
Ông Lê Tùng, năm nay 82 tuổi, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hà Tĩnh, là một trong những người dân thành phố được chứng kiến sự mất dấu của hào thành. Với ông, dẫu thành cũ đã lấp, dấu vết chẳng còn nhiều nữa, nhưng những hình ảnh của hào thành một thuở vẫn còn trong tâm tư như những thước phim tư liệu quý hiếm.
Ông Lê Tùng, một trong những người Thành Sen được chứng kiến cảnh hào thành khi chưa bị lấp
“Hồi đó, tuy còn nhỏ tuổi nhưng tôi vẫn nhớ như in trong thành có 3 con đường chính rải đá, đó là những con đường đi trong nội thành thông ra các cửa thành. Ngoài ra, trong thành có nhiều hồ nước, hai hồ bán nguyệt trước hành cung và dinh Tuần Vũ. Bên cạnh dinh Bố Chính có hồ Thành, trước nhà lao có hồ lớn trồng sen, đến mùa hè sen nở rộ, hương thơm tỏa ngát cả vùng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến thành còn được gọi là Thành Sen.
Năm 1947, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, một phần hào thành đã bị quân ta lấp và đập bỏ, tránh địch tấn công cơ giới vào thành. Từ đó, những dấu tích của thành Hà Tĩnh dần dần bị mất đi” - ông Lê Tùng chia sẻ.
Lịch sử hồng tươi những trang mới…
Những con đường mà ông Lê Tùng nhắc đến, ngày nay đã được rải nhựa khang trang, đẹp đẽ, nhà cửa mọc lên san sát và đều được gắn biển tên đường. Nếu không đọc lịch sử thì không thể nào nhận ra được những dấu tích cổ xưa.
Đường thứ nhất từ cửa tiền thông ra hồ sen, ra nhà lao, ngày nay là đường Nguyễn Thiếp. Đường thứ hai nối từ đường thứ nhất ra cửa hữu, nay là một đoạn đường Nguyễn Công Trứ. Đường thứ ba nối từ đường thứ hai ra cửa hậu, nay là đường Nguyễn Hữu Thái.
Dấu tích cửa tiền không còn, thay vào đó là quảng trường khang trang, hiện đại
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thành Hà Tĩnh ngày nay chỉ còn lại 3 cạnh của hào thành. 3 cạnh này trải dài từ phía sau Thành ủy Hà Tĩnh qua Thư viện, Bảo tàng (cũ) vòng qua các khu dân cư phía sau Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh và khu liên cơ, đến cầu Mương rồi đổ ra sông Cụt. Hiện nay, phần hào thành còn lại đã được tu sửa, xây kè kiên cố nhưng hình dáng, chiều rộng, độ sâu thì không còn nguyên vẹn như trước nữa.
Trải bao mưa nắng và biến thiên của lịch sử, dấu tích thành cũ không còn nhưng những công trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh thay thế đường bệ, uy nghi và lộng lẫy, trở thành trung tâm chính trị của tỉnh. Trước thềm lễ đón nhận thành phố được công nhận đô thị loại II, một loạt công trình mới được xây dựng xung quanh tỉnh thành một thuở như: Quảng trường, đài phun nước, Nhà lưu niệm Bác Hồ bằng gỗ, đường Nguyễn Công Trứ…
Dẫu còn nhiều bộn bề nhưng người Thành Sen lại vui mừng vì thêm một cột mốc mới trong chặng đường phát triển của thành phố trẻ. Lịch sử đang hồng tươi những trang mới…
Theo baohatinh.vn