Nghề thả trúm lươn ở Hà Tĩnh giúp người dân thu nhập ổn định. Ảnh Phạm Đức
Chiều muộn, khi mặt trời đã dần tắt nắng, anh Văn Viết Thao (45 tuổi, trú tại thôn Đông Thượng, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) mới đi xe máy chở 3 bao đựng 160 ống trúm ra cánh đồng lúa gần nhà để "bắt" lươn đồng. Suốt 4 năm nay, công việc của anh là bắt đầu từ khoảng thời gian này.
Anh Thao bắt đầu thả trúm bắt lươn đồng vào chiều muộn. Ảnh Phạm Đức
Chiếc xe máy là phương tiện anh Thao dùng để chở đồ nghề. Ảnh Phạm Đức
Trước đây anh Thao làm nghề thợ nề. Công việc nặng nhọc nhưng trung bình mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 300.000 - 350.000 đồng. Tuy nhiên, ở quê anh người dân còn nghèo, tiền thuê thợ nề họ phải nợ từ tháng này sang tháng khác. Trong khi đó, vợ anh Thao ở nhà làm nông, 2 con đang độ tuổi ăn học nên tiền chi phí trong gia đình chỉ trông chờ vào đồng tiền công của anh. Cực chẳng đã, anh Thao phải bỏ nghề thợ nề để tìm nghề khác với mục tiêu phải có “tiền tươi, thóc thật”.
Miệng ống trúm có nắp đậy để lươn chui vào không ra được. Ảnh Phạm Đức
“Ở làng bên, tôi thấy người dân thả trúm bắt lươn rất hiệu quả. Qua tìm hiểu thì nghề này cũng cho thu nhập rất cao, con lươn bắt được thì thương lái tìm đến nhà mua và trả tiền ngay. Sau khi “học lỏm” được nghề bắt lươn đồng, tôi mua loại ống nhựa về thiết kế ra được hơn 100 ống trúm, mỗi ống dài chừng 70 cm”, anh Thao nói.
Từng ống trúm được thu về sau 1 đêm ngâm dưới mương nước hoặc ruộng lúa. Ảnh Phạm Đức
Theo anh Thao, chi phí để làm ra một ống trúm “rất bèo”, mỗi cái chỉ mất tầm khoảng 4.000 - 5.000 đồng mà dùng được trong nhiều năm. Chỉ có nắp đậy ở miệng ống đan bằng tre mà người dân địa phương hay gọi là cái ton, cái tơi hoặc cái mưng thì sau mỗi mùa lúa phải thay mới vì nó nhanh bị hư mục.
Việc thu hơn 100 ống trúm cũng rất nhanh, anh Thao chỉ mất chừng vài tiếng. Ảnh Phạm Đức
Khoác 1 bao đựng khoảng 60 cái trúm trên vai, anh Thao đi mon men theo mương nước cạnh ruộng lúa, dùng tay rút từng ống trúm thả xuống cạnh bờ, mỗi ống cách nhau chừng 3 m. Phần miệng trúm thì anh cho chúi xuống chạm bùn, còn đầu kia có 1 lỗ thở thì cho ngóc lên khỏi mặt nước.
Vợ anh Thao thay chồng đổ lươn bắt được đang nằm trong ống trúm ra ngoài xô. Ảnh Phạm Đức
Anh Thao nói rằng cánh đồng này từ xưa đến nay rất nhiều lươn sinh sống nên cứ chọn chỗ có nước lúp xúp cách mặt bùn chừng gang tay thả ống trúm xuống là có thể dụ được chúng. Nhưng để con lươn chui vào ống trúm thì phần quan trọng nhất là làm mồi nhử.
Lươn đồng tuy nhỏ nhưng thịt thơm và béo ngậy. Ảnh Phạm Đức
“Con lươn rất ham ăn chất tanh. Vì thế mồi nhử là giun đất trộn với bùn mà ốc bươu. Những loại này băm nhuyễn trộn lại với nhau, sau đó dùng nắp đậy quệt vào bên trong miệng ống trúm. Khi thả ống trúm xuống nước, vào ban đêm lươn ở trong hang hoặc dưới bùn chui lên đi kiếm ăn, ngửi được mùi tanh sẽ tìm đến chui vào trúm để ăn”, anh Thao nói về kỹ thuật dụ lươn.
"Chiến lợi phẩm" mà anh Thao thu được sau 1 đêm là từ 4 - 7 kg lươn đồng. Ảnh Phạm Đức
Đến 4 giờ 30 phút sáng hôm sau, những ống trúm được thả xuống sau 1 đêm nằm dưới nước được anh Thao quay trở lại lấy lên cho vào bao đựng. Nhờ cách dụ này mà trung bình mỗi ngày thả ống trúm, anh Thao bắt được từ 4 - 7 kg lươn. Với giá bán lươn đồng 120.000 đồng/kg, anh thu về từ 450.000 - 800.000 đồng/ngày.
Thịt lươn dùng để nấu cháo hoặc súp và chế biến được thành nhiều món ăn khác. Ảnh Phạm Đức
“Mỗi sáng, thương lái đến tận nhà thu mua, trả tiền tươi nên mấy năm nay vợ chồng tôi luôn có đồng ra đồng vào hàng ngày mà không phải chật vật vay mượn hàng xóm như trước đây. Công việc này cũng nhàn hạ, chỉ tranh thủ hồi buổi chiều và sớm mai nên có thể làm được một số công việc vặt khác”, anh Thao nói và cho biết thịt lươn đồng rất thơm, béo ngậy được thương lái mua về bán lại cho nhà hàng để họ chế biến ra các món ăn đặc sản như súp lươn và cháo lươn nức tiếng của xứ Nghệ.
Theo Phạm Đức, thanhnien.vn