Bánh khoái tép
Đến Thanh Hóa, chắc chắn nhiều du khách sẽ được giới thiệu thưởng thức món bánh khoái tép, một món ăn chỉ có ở thành phố Thanh Hóa và rất ít huyện lân cận. Nguyên liệu chính gồm bột gạo tẻ xay dạng nước, rau cần nước rửa sạch cắt khúc nhỏ, bắp cải thái sợi và tép loại tươi ngon.
Bột gạo được tráng trên chảo gang, sau đó cho rau cần, bắp cải, tép đã xào vào, lật cho bánh chín đều và giòn. Người làm phải biết điều chỉnh củi lửa cho phù hợp để bánh không bị cháy cạnh, cũng không được mềm quá. Một quả trứng gà đập vào giữa bánh tạo nên màu vàng rộm, ngon mắt ngon miệng.
Bánh khoái ngon khi chín đều, mép giòn, nhưng không nhiều mỡ gây ngán, và quan trọng là làm đến đâu, ăn đến đó để được thưởng thức nóng hôi. Nước chấm chỉ cần nước mắm chanh ớt là đủ vị của món ăn này.
Các phố bán bánh khoái tép ở thành phố Thanh Hóa là Hàn Thuyên, Đào Duy Từ, Tô Vĩnh Diện... bán từ 3h chiều đến tối, với giá 5.000 đồng cái.
Bánh răng bừa
Khá giống với bánh tẻ ở nhiều tỉnh miền Bắc, ở Thanh Hóa bánh được gọi là bánh răng bừa vì có hình dạng giống một nông cụ quen thuộc của nhà nông.
Gạo tẻ ngâm nước lạnh trong 2-3 giờ, xay thành bột nước, sau đó đun trên bếp và khuấy đến khi có độ đặc sền sệt. Bánh được gói bằng lá dong hoặc lá chuối, nhân bánh là thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu và hành khô đã xào qua. Người gói phải khéo léo sao cho bánh đều nhau, không quá to hoặc quá nhỏ, để khi luộc hoặc hấp thì chín đều.
Khi ăn, vị thanh của bột gạo quện với mùi thơm của lá, điểm thêm vị đậm của thịt và chút giòn sần sật của mộc nhĩ, khiến người ta đã nếm thử là lại muốn ăn thêm.
Bánh răng bừa trước kia được làm vào những dịp đặc biệt như ngày rằm, Tết, cưới hỏi, nhưng nay có bán thường xuyên trong các chợ, hàng quán hoặc hàng rong.
Bánh đúc sốt
Mới nghe qua nhiều người sẽ nhầm với món bánh đúc, thức quà quê dân dã của các làng quê Bắc Bộ. Nhưng đây là món ăn độc nhất vô nhị của Thanh Hóa, khác biệt lớn nhất chính là ở màu xanh đẹp mắt. Bột bánh là bột gạo tẻ được nấu với nước vôi trong, bỏ thêm hành phi và chút mỡ. Màu xanh của bánh được tạo bởi nước rau ngót hoặc rau cải giã. Nồi bánh được nấu trên lửa liu riu, dùng đũa cả đảo liên tục để không bị vón cục, khi chín tới thì sánh như cháo, rất dậy mùi.
Đậu xanh bỏ vỏ nấu riêng, chín thì đánh tơi, như làm nhân bánh chưng ngày Tết. Khi ăn thì múc bánh ra bát, rải đậu xanh lên trên. Trời lạnh, hít hà hương thơm ngầy ngậy của bột gạo, thử vị bùi bùi của đậu xanh trong thìa bánh sóng sánh xanh như ngọc, thấy ấm bụng vô cùng.
Bánh đúc sốt chỉ bán vào buổi chiều. Hiện nay không còn nhiều hàng bán món này, chỉ có ở một số hàng rong, hoặc có thể ghé qua một số chợ, như chợ Vườn Hoa hoặc chợ NamThành… để tìm và thưởng thức.
Bánh đa vừng
Không biết từ bao giờ, món bánh bình dị này đã trở thành đặc sản của đất Thanh Hóa. Món quà quê dân dã là thế, nhưng để làm ra được lại tốn không ít công sức qua từng công đoạn, từ ngâm gạo đủ lâu, xay bột thật mịn, tráng bánh thật khéo, rắc vừng đều tay, phơi bánh từng mặt thật cẩn thận, rồi đến nướng bánh trên bếp lửa than củi sao cho chín vàng nở đều.
Thanh Hóa có rất nhiều làng làm bánh đa truyền thống như Hậu Lộc, Minh Châu, Làng Tào… mỗi nơi đều có những bí quyết riêng làm nên hương vị thơm ngon riêng cho chiếc bánh đa.
Bánh nhè
Bánh nhè gần giống bánh trôi nước, bánh ngào mật của Nghệ An. Vỏ bánh làm từ bột nếp dẻo mịn, bọc nhân đậu xanh và dừa bào sợi. Bánh nấu bằng đường mật mía và gừng, là thức quà chiều dân dã ở xứ Thanh.
Món này thường được bán bởi những cô hàng rong, hoặc ở chợ Vườn Hoa, giá chỉ 5.000 đồng một bát.
Hà Thu (t/h)