Cầu Hàm Rồng nối đôi bờ sông Mã do thực dân Pháp xây dựng năm 1901
Hàm Rồng của huyền tích – mảnh đất nơi rồng ngự |
“Rồng không từ tầng cao hạ xuống mà Rồng từ lòng đất nổi lên” - Đây không phải lời “điểm tô ưu ái” của con người dành riêng cho môt vùng thắng tích. Những câu chuyện cổ tích lung linh khắc trên đá, giăng mắc trên đại ngàn về sự hình thành của hình sông, thế núi nơi đây gây kinh ngạc cho biết bao mặc khách tao nhân và làm thức dậy trong lòng những người con được sinh ra dưới chân núi này, cạnh dòng sông này cảm thức tự hào và tinh thần sáng tạo mạnh mẽ.
Hàm Rồng là cái tên chứa đựng trong mình những trầm tích văn hóa, khi mà di chỉ Núi Đọ, trống đồng Đông Sơn – đỉnh cao văn minh người Việt cổ chính từ đây mà ra.
Hàm Rồng cũng là cái tên hào hùng lịch sử, nơi "tọa độ lửa" sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Cầu Hàm Rồng được xây dựng lại sau chiến tranh phá hoại
Những mốc thời gian: 8h20 phút ngày 3/4/1965, 9h58 phút ngày 4/4/1965 đã thành lịch sử và mùa hè rực lửa tháng tư năm 1965 ấy sẽ mãi mãi vạch vào trời xanh Hàm Rồng, Nam Ngạn một ánh sao chói sáng, ghi dấu cả sự đau thương và lòng dũng cảm, ghi dấu cả máu và hoa.
Trận địa của dân quân Nam Ngạn – Yên Vực bảo vệ cầu Hàm Rồng. Ảnh tư liệu
8 năm - 3000 ngày cho cuộc đua sống còn. Sự kiêu ngạo của vũ khí đã cúi đầu trước sự kiêu hãnh của con người và cầu Hàm Rồng trở thành một trong những cây cầu đẹp nhất trong lịch sử đấu tranh giữ nước. Hai chữ “Quyết thắng” đầy tự tin, kiêu hãnh nằm trên lưng rồng như một bằng chứng xác thực rằng, không phải sự kiêu ngạo của vũ khí tối tân mà chính là sức mạnh của ý chí và tâm hồn đã làm nên điều kỳ diệu.
Hoàng hôn trên cầu Hàm Rồng
Chữ nằm đó để gợi nhắc, gợi nhớ cho mỗi người mỗi lần đi qua cây cầu và dòng sông này về một thời khói lửa đau thương, để biết giá trị của mỗi phút hòa bình đã được đổi bằng nhiều lần mất mát, để cho hôm nay, Hàm Rồng trở mình làm cuộc đổi thay kỳ diệu. Màu của “máu trộn bùn non” đã chìm dưới màu xanh của lúa ngô để dậy nên màu cuộc sống yên lạc.
Nỗ lực biến mảnh đất của lịch sử và văn hóa này trở thành điểm đến du lịch đặc sắc |
Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng - một điểm đến tâm linh thuộc quần thể khu danh thắng Hàm Rồng - sông Mã
Để làm thức dậy vẻ đẹp vùng thắng tích, cũng là biến mảnh đất của lịch sử và văn hóa này trở thành điểm đến du lịch đặc sắc, hấp dẫn của TP Thanh Hóa, ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 396/Q Đ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa.
Với quy mô trên 561 ha và diện tích khoanh vùng bảo vệ là 211,83 ha (gồm khu bảo vệ I rộng 21,96 ha và khu bảo vệ II rộng 190,44 ha), cùng 2 khu chức năng là trung tâm hành lễ và trung tâm dịch vụ du lịch; quy hoạch là cơ sở pháp lý quan trọng để TP Thanh Hóa thực hiện các bước bảo vệ, tôn tạo hệ thống di tích. Đặc biệt, mới đây nhất, ngày 12-2-2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 581/QĐ-UBND công nhận Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng là khu du lịch cấp tỉnh, làm cơ sở cho việc giữ gìn, phát triển tài nguyên tự nhiên và nhân văn, bảo vệ môi trường cảnh quan và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Nằm trong lòng Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng còn có Di chỉ khảo cổ học văn hóa Đông Sơn. Di chỉ có tổng diện tích theo biên bản khoanh vùng các khu vực bảo vệ là 45,032ha, bao gồm khu vực núi Đông Sơn, từ núi ra đến bờ sông Mã và từ cầu Hàm Rồng vào thôn Đông Sơn (nay là phường Hàm Rồng). Với vị thế và giá trị đặc biệt quan trọng của nó đối với lịch sử, văn hóa dân tộc.
Di chỉ này đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch) công nhận là di tích cấp Quốc gia từ năm 1962. Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa ra quyết định công nhận Di chỉ khảo cổ học văn hóa Đông Sơn là điểm du lịch và tổ chức công bố tuyến du lịch “Âm vang làng cổ Đông Sơn”, gồm 14 tour du lịch khởi hành hàng ngày từ làng cổ liên kết với các tuyến, điểm du lịch của TP Thanh Hóa và vùng phụ cận.
Làng cổ Đông Sơn
Làng cổ Đông Sơn, nơi có di chỉ văn hóa làm kinh ngạc giới khoa học vẫn mang nhiều dáng dấp của làng Việt cổ yên bình, với cây đa, giếng nước, sân đình, cùng nhiều danh thắng, di tích trầm mặc và một bức tranh sơn thủy hữu tình. Rồi những cái tên hiền lành và gần gụi như làng Nam Ngạn, đồi C4, đồi Quyết Thắng, đồi Không Tên, đồi Ba Cây, đồi Yên Ngựa, Bãi Sỏi, Đầm Sen… cũng đã trở thành một phần lịch sử của mảnh đất anh hùng.
Nghe về Hàm Rồng chẳng bằng một lần về với Hàm Rồng, để ngắm nhìn cây cầu huyền thoại, để nghe sông Mã thì thầm những hoài niệm về một vùng đất cổ, để mỗi bước chân đặt lên mặt đất cũng là đặt lên từng tấc lịch sử đan xen, giao hòa giữa cổ và kim, giữa đau thương tỏa xuống và khát vọng vươn lên…
CTV Lê Dung/ Vietnam Journey