Huyện Nga Sơn có 8 xã trồng nhiều cói, với diện tích gần 1.500ha, trong đó nhiều nhất tại các xã: Nga Liên, Nga Tân, Nga Thủy, Nga Tiến
Mỗi năm, cói có 2 vụ chính là vụ chiêm và vụ mùa. Làm cói mất rất nhiều thời gian, thông thường, trong một ngày, khoảng 4 người mới làm xong 1 sào cói. Và để tránh nắng nóng, người dân ra đồng thu hoạch cói từ rất sớm
Sau khi cắt, những sợi cói ngắn và đã chết khô sẽ bị loại. Những sợi cói dài và còn tươi sẽ được chặt gọn phần đầu, phần ngọn và được dùng làm nguyên liệu để dệt chiếu
Công việc chẻ cói được diễn ra ngay trên những cánh đồng. Mỗi máy chẻ thủ công gồm 2 người ngồi hai đầu và phải kéo cói cho thẳng, tránh để cói mấp gốc hoặc ngọn. Trước khi chẻ, cói được nhặt bông cho sạch. Đây là công việc yêu cầu sự khéo léo của đôi tay
Dù công việc khá vất vả nhưng nụ cười vẫn luôn hiện hữu trên gương mặt những người dân lao động nơi đây
Cói sau khi chẻ thường được phơi ngay trên những ruộng vừa thu hoạch xong hoặc trên các bãi cát. Số ít được người dân mang về phơi tại nhà. Cói có thể được phơi thẳng hàng...
...hoặc phơi theo hình dẻ quạt
Trời nắng nóng rất thích hợp cho việc thu hoạch cói, vì cói phơi sẽ nhanh khô, màu đẹp
Gần 11 giờ trưa, mọi người mới rời khỏi cánh đồng để trở về nhà và nghỉ ngơi trong khoảng thời gian ít ỏi. Khoảng 2 giờ chiều, công việc thu hoạch cói lại được tiếp tục
Cói Nga Sơn được nhiều người ưa chuộng và sử dụng nhờ có các tính chất, chất lượng đặc thù, khác biệt so với các loại cói khác. Khi còn tươi, thân cói có màu xanh mướt, bóng mượt, sau khi thu hoạch sợi cói có màu trắng, đẹp, dai và bền. Nhờ vậy, hàng trăm năm trôi qua, đến nay, cói Nga Sơn (Thanh Hóa) vẫn khẳng định được vị thế trên thị trường và tạo nên thương hiệu riêng cho vùng đất này.
Theo baothanhhoa.vn