Ẩm thực vùng cao Thanh Hóa
Vịt Cổ Lũng
Đến Bá Thước, một huyện vùng cao miền Tây Thanh Hóa, du khách đừng bỏ qua một đặc sản được rất nhiều người biết đến, đó chính là vịt Cổ Lũng.
Vịt Cổ Lũng là loại vịt nuôi tự nhiên, thường được thả trên dòng suối Nũa. Suối Nũa là một con suối sạch, nước chảy thường xuyên, có rất nhiều ốc và các loại sinh vật. Vịt thường bơi ngược dòng, bắt ốc và cá nên vận động nhiều. Ngoài ra, vì ăn thêm lúa, ngô, khoai... nên thịt vịt Cổ Lũng rất săn chắc, nhiều nạc, thịt thơm, không có mùi tanh, hôi như vịt ở các nơi khác.
Vịt Cổ Lũng có thể chế biến thành nhiều món như vịt luộc, vịt nướng, vịt om sấu, vịt nấu chao, vịt quay... nhưng ngon nhất vẫn là món vịt luộc
Vịt sẽ ngon hơn với cách chế biến gia vị để chấm được làm từ gan vịt, trộn với muối và hạt mắc khén nghiền nhỏ, thêm chút đường, tiêu xanh cùng chén rượu cay nồng thơm mùi lá rừng, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngọt của vịt Cổ Lũng mà không phải nơi nào cũng có.
Canh lá đắng
Canh lá đắng là món ngon đặc trưng của các huyện miền núi Thanh Hóa. Những ai đã thưởng thức thì không thể nào quên hương vị của món canh độc đáo này.
Lá đắng - một đặc sản chỉ có ở núi rừng Tây Bắc
Cách chế biến canh lá đắng không quá cầu kỳ nhưng cần chuẩn bị nhiều nguyên liệu. Thành phần cơ bản làm nên món canh lá đắng là sử dụng tiết động vật, nội tạng bò, lợn, gà hoặc trâu,...nấu cùng với lá đắng. Trong canh lá đắng không thể thiếu sả, gừng, mẻ, ớt. Vị của sả giúp món canh thêm thơm nồng, vị chua chua của mẻ giúp làm dịu bớt vị đắng và canh ngon hơn.
Món canh lá đắng đậm đà dư vị Tây Bắc
Canh lá đắng phải ăn nóng, nhất là vào mùa lạnh mới thấy được giá trị của món ăn dân dã này. Những người mới ăn lần đầu sẽ thấy khó ăn vì vị đắng tê tê nơi cổ họng, nhưng thử lần thứ hai sẽ cảm nhận được ngay vị ngọt ngọt, bùi bùi, hương vị lạ lạ của thứ rau rừng này. Lần thứ ba chắc chắn bạn sẽ bị hấp dẫn và khi đã thích thì sẽ không bao giờ quên được hương vị canh lá đắng nơi miền sơn cước xứ Thanh.
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc là món ăn không thể thiếu của người dân tộc Mường, Thái khi có khách quí hoặc trong những ngày giỗ, Tết.
Nguyên liệu làm nên món xôi ngũ sắc là loại nếp nương được chọn lựa kỹ càng, kết hợp với các loại lá rừng tạo màu sẽ làm nên món xôi ngũ sắc vừa đẹp mắt vừa thơm ngon.
Xôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Theo quan niệm của đồng bào nơi đây, làm và ăn xôi ngũ sắc trong ngày lễ, Tết sẽ đem lại may mắn, hạnh phúc, tốt lành cho cả năm.
Chế biến xôi ngũ sắc đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm ngon. Để làm ra món xôi béo ngậy, dinh dưỡng, ngoài nguyên liệu gạo nếp nương còn cần sự khéo léo, đảm đang và bí quyết gia truyền của mỗi người phụ nữ miền Tây Thanh Hóa mà không dễ gì học được.
Lợn cỏ Bá Thước
Trên hành trình khám phá vùng cao xứ Thanh, bạn còn có cơ hội được thưởng thức món lợn cỏ nướng hay lợn cắp nách là vật nuôi của người Mường hiếu khách.
Thịt lợn cỏ xiên nướng
Để giữ được độ ngọt của thịt, phải rửa sạch con lợn trước khi mổ, lấy phần nội tạng, phần thịt không rửa lại với nước. Thịt được pha thành từng miếng, cùng lòng, dồi đem hấp trên bếp củi, phần xương đem nấu với nõn chuối rừng. Thịt ba chỉ thái chỉ, ướp hành, nước mắm rồi quấn lá bưởi bên ngoài, nướng trên than hồng. Lá bưởi quyện vào thịt, dưới sức nóng của than, thịt săn vàng, toả mùi thơm.
Thịt lợn chín tới, khi ăn, chấm với muối rang và hạt dổi nướng giã nhỏ. Thưởng thức lợn cỏ nướng thơm nức mũi giữa đất trời bao la, bát ngát thật chẳng có trải nghiệm nào thú vị hơn./.
Lương Anh (theo vov.vn)