Danh thắng Kim Sơn là một quần thể danh thắng núi non và hang động thuộc xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Cách đường quốc lộ 1 không xa, cách thành phố Thanh Hóa 50km, cách Hà Nội khoảng 150km, là điểm tham quan lý tưởng trong ngày.
Sách "Đại Nam nhất thống" từng ghi rằng: “Núi Kim Sơn có một tên nữa là núi Biện, cũng gọi là núi Bông… Mạch núi từ phía đông núi Hùng Lĩnh men theo sông Mã mà đổ xuống nổi vọt lên 29 ngọn, đứng xa mà trông, hiện ra nhiều hình như tàn lọng, như lâu đài, như cờ quạt, như voi ngựa như triện gấm hoa, như bình phong, khi râm khi nắng…. Sườn núi có một hồ sen rộng vài ba mẫu. Một ngọn ở Cốc sơn cao chừng 30 trượng, chân núi có một hang lớn hai đầu thông ra đầm sâu, có thể đi thuyền suốt từ đầu nọ sang đầu kia….”
Quả thực, theo người dân ở đây, trong dãy Kim Sơn có tới 7 động. Động liền hồ, hồ liền động, bảy động thông nhau nhưng chưa mấy người đi hết. Động Ngọc Kiều là động đầu tiên trong bảy động.
Từ dưới nhìn lên, tầng cửa động thứ hai tôn trí một tượng Phật lớn ẩn hiện giữa những tàng cây xanh mát. Động bên trong rộng lớn, chỗ cao hơn 50m, chỗ thấp chưa tới 3m. Lòng động có ban thờ Phật với tượng Phật tọa trên tòa sen. Giữa động có một hồ nhỏ hứng nước từ trên vách cao rỏ xuống, trong đặt tượng Thuỷ nguyệt Quan Âm.
Cái tên Ngọc Kiều được đặt ra là bởi cửa động có đá bắc ngang qua tựa cây cầu Ngọc nên mới có tên như vậy. Trên vách động Ngọc Kiều có nhiều bức chữ được tạc vào đá, là chữ của nhiều danh gia như Nguyễn Xuân Tiêu, Bùi Tự, Trương Quang Đản, Nguyễn Thuật… Đa phần là danh sĩ cuối thời Nguyễn.
Động có nhiều nhũ đá, có khi gõ vào như tiếng chuông. Nơi động sâu nhất có hang lớn thông ra ánh sáng ngoài trời, có thể thông qua đó mà trông ra bên ngoài. Đá ở đây dựng cheo leo, khí thế mạnh mẽ, chen lẫn những cành cây xanh mướt.
Hẳn năm xưa, danh gia Bùi Tự cũng đã từng leo lên đỉnh núi nên mới có văn bia để lại, ca ngợi vẻ đẹp của danh thắng Kim Sơn.
Văn bia đại ý viết rằng, "Xưa nay, nơi có núi sông kỳ lạ đều ẩn chứa tinh hoa của trời đất, mà những bậc anh hùng hiền nhân quân tử bấy lâu vẫn dùng để gửi gắm bình sinh… Những nơi đặt chân đến cũng nhiều nhưng Kim Sơn có cái đặc sắc riêng không nơi nào có."
Động Ngọc Kiều có điểm đặc biệt là động chồng tầng, tức động có hai tầng đi lên và 1 tầng đi xuống, có lẽ là độc nhất vô nhị. Trong động có cả các hố sụt, người ta gọi là giếng ngọc, tương truyền ở đây nước rất ngon. Du khách muốn nếm thử nước pha trà này có thể tự mang ấm trà dã ngoại đi để kiểm nghiệm xem lời tương truyền có thật như đồn đại.
Trên núi xưa có nhiều loài vật, giờ vẫn còn cả khỉ, trăn, cò. Chiều chiều, những cánh cò trắng bay rợp trời. Còn những chú khỉ khi vắng người lại trèo lên cây, lên núi đá. Có những du khách đến chơi không quên để lại trên núi những quả ổi, quả cam mời các chú khỉ làm quà.
Sự đa dạng của hệ thống đá ở đây cũng làm người ta dễ ngạc nhiên. Đá trắng nhọn hoắt dựng đứng đan xen với cây xanh tạo nên một bức tranh màu sắc tương phản mà hài hòa. Toàn bộ những dải núi lại được bao bọc bởi hồ, phía sau là dòng sông Mã uốn lượn - tựa một dải trường thành sừng sững trông về những đồi đá thấp và đỏ ở bên phía núi Quan Yên, Yên Định. Sự đan xen giữa nhiều sắc thái làm cho Kim Sơn vừa có sự tươi mát vừa có nét gai góc như những vách đá tai mèo.
Ngay cạnh động Ngọc Kiều là động Ngọc Hồ, động nước thông từ tây sang đông. Lòng động sâu và rộng gần cửa động có một cửa được đặt tên là Phong môn - cửa gió. Bên lòng có thể trông lên một hố sụt của động bên trên. Du khách có thể dừng thuyền chèo ở đây để có thể hưởng sự thanh mát, thoáng đãng của bầu không khí trong lành.
Trên đỉnh Ngọc Hồ có một ngọn núi cao được đặt tên là Điếu Đài (Đài câu cá). Đài câu cá ở trên vách núi chỉ là một ý niệm, có lẽ truyền tải khát khao được với tay tới tận non ngàn của người xưa. Nắng buổi chiều chiếu về phía cửa của động Ngọc Hồ, núi nhuộm sắc vàng, mặt hồ rộng rãi thoáng đãng, buổi chiều hàng đàn cò trắng bay về khu vực này tựa những bông tuyết đậu trên những cành cây khô.
Cây “bặn rừng” ở đây thường đổ lá chuyển mùa vào cuối thu và đầu đông, lá vàng rực rỡ, rất dễ làm người ta tưởng nhầm như lạc bước vào một vùng đầy cây cỏ của một xứ ôn đới nào đó.
Ngoài những Ngọc Kiều, Ngọc Hồ, còn có Ngọc Thanh, Tiên Sơn. Trong đó, động Tiên Sơn do người dân phát hiện ra sau năm 2003 được coi là đẹp nhất, nay đã được đầu tư làm điện và bắc thang kiên cố để có thể vào thăm một cách dễ dàng. Động rất rộng, diện tích có thể lên tới hàng chục mẫu. Trong động có đá hình tượng Quan Âm (sau đã được thỉnh về chùa Linh Ứng), có chỗ lại như hình kho vàng, kho bạc, kho lúa. Đây là động có hệ thống thạch nhũ đặc sắc nhất trong các động tại khu danh thắng này.
Khu danh thắng Kim Sơn có đá xen lẫn với cây xanh nên vừa có sự kỳ dị mà nền nã, xa có hồ, có đồi phủ cây xanh mướt. Mùa hè có hoa sen, mùa thu có củ ấu, có những rặng bặn rừng chuyển mầu đủ để làm mát mắt suốt cả bốn mùa. Tiếng chuông chùa đổ rền vang lên mỗi chiều đầm mà ấm. Cảnh đẹp và bình yên cũng không phải nơi nào có được!
Bài và ảnh: Triệu Cơ