Gỏi nhệch được chế biến từ cá nhệch, loài cá xuất hiện nhiều ở vùng biển miền duyên hải, nhệch có dáng của con lươn nhưng to và dài hơn. Con lớn tới tám chín lạng hoặc một cân, dài đến năm bảy mươi phân, da màu sáng xanh đá, đuôi tròn chứ không dẹt như đuôi lươn.
Nhệch nhiều thịt, ít xương, nhiều chất đạm, gỏi cá nhệch luôn quyến rũ cánh mày râu. Mới nghe, chưa ăn thì nhiều người thấy sợ nhưng khi đã ăn rồi sẽ không thể kìm lòng mà tìm kiếm ăn lại lần nữa. Để được món gỏi nhệch thơm ngon và hấp dẫn là một quá trình công phu và tỉ mẩn của các đầu bếp.
Nhệch sau khi bắt về được làm sạch nhớt bằng tro, muối, lá tre, lá lúa hay lá nhái, hoặc nước vôi loãng. Sau khi cắt tiết, mổ bụng bỏ ruột, đầu và đuôi, người ta lọc xương và thịt riêng. Người làm phải thật khéo léo và tỉ mỉ trong khâu lọc cá để cá không bị nát và không dính xương dăm.
Cá nhệch hình dáng bên ngoài có nét giống lươn hoặc rắn
Phần thịt nhệch được thái lát thật mỏng, bóp qua bằng chanh tươi sau đó vắt cho ráo nước và cho vào bát to, nhanh tay tẩm ướp gia vị và trộn cùng với thính làm từ gạo nếp rang vàng. Da cá được rán giòn để cuộn cùng với gỏi. Còn xương cá đem vào cối giã nhuyễn để nấu chẻo.
Nếu những nơi khác ăn gỏi kèm mắm tôm, nước mắm thì điểm nhấn của gỏi cá nhệch Nga Sơn, Thanh Hóa chính là chẻo nhệch. Chẻo ăn cùng gỏi cá là bí quyết làm nên sự khác biệt, được chế biến từ xương cá giã nhuyễn chưng cùng mẻ chua và các loại gia vị đặc trưng khác. Chẻo bày ra bát nhỏ, có màu đỏ sậm, đặc sánh, đậm đà, váng mỡ và thơm nức mũi.
Gỏi cá được ăn kèm với nhiều loại rau lá khác nhau nhưng bắt buộc phải có các loại như: lá chanh, lá sung, rau húng, tía tô, bạc hà. Ngoài việc làm tăng thêm hương vị của món gỏi, các loại rau lá trên còn là vị thuốc để cân bằng tính hàn của cá nhệch. Ở Nga Sơn gỏi cá còn được ăn cùng với lá rau má, dấp cá tươi mọc rất nhiều trong vườn nhà.
Nhiều người lần đầu thưởng thức món ăn lạ miệng này còn thích thú với cách cuốn gỏi. Trước hết bạn phải lấy một lá sung hoặc lá ổi bánh tẻ làm vỏ đựng, sau đó xếp lần lượt lá lộc nhòn, mơ, hung quế, mùi tàu, đinh lăng, rau má, bạc hà… Việc chọn lá tùy theo sở thích riêng của mỗi người.
Tiếp đến là cuốn thành hình phễu và nhồi gỏi nhệch vào giữa, tưới nước chẻo nhệch lên trên. Cuối cùng là hành khô, gừng, ớt lát mỏng rắc vào cùng. Có thể đậy miếng bánh đa vừng lên trên tùy khẩu vị. Thực khách phải khéo léo khi cuốn gỏi sao cho vừa miệng nhất.
Cảm nhận đầu tiên khi nhai là vị giòn giòn, hơi chát của các loại rau, tiếp đến là vị béo ngậy của chẻo, vị ngọt bùi dai giòn của gỏi cá, vị cay, nồng, thơm, nóng của gừng, xả, ớt… Cảm giác ngọt, béo, bùi, xen lẫn giòn dai mềm và thơm mát khiến người ăn thấy ngon miệng vô cùng, ăn bao nhiêu cũng không thấy chán.
Đến nay, gỏi cá nhệch xuất hiện nhiều trong các nhà hàng, quán ăn, trở thành đặc sản xứ Thanh được bạn bè xa gần biết đến. Món ăn còn là niềm tự hào, thể hiện sự tinh tế, sáng tạo trong nét văn hóa ẩm thực của người dân miền biển Nga Sơn.
Theo VNexpress