Thành phố du lịch Sầm Sơn
Viên ngọc biển của Đông Dương
Sầm Sơn là vùng duyên hải tuyệt đẹp, nơi rừng biển gặp nhau bên mép sóng, cách TP Thanh Hóa 16km. Không chỉ sở hữu gần 10km bờ cát phẳng mịn, làn nước trong xanh bốn mùa, Sầm Sơn còn là hải cảng sầm uất với nguồn hải sản dồi dào tươi ngon.
Với địa thế độc đáo, Sầm Sơn còn là địa bàn chiến lược trọng yếu về quân sự với dãy núi Trường Lệ như một pháo đài kiên cố cùng với đền Cô Tiên, Mẫu Liễu Hạnh uy nghi, tạo nên những giá trị tâm linh, lịch sử đậm nét.
Trong quá trình lưu trú tại Việt Nam, người Pháp vốn quen khí hậu ôn đới, việc thích nghi với khí hậu nhiệt đới trở thành một trong những thử thách lớn. Theo đó, họ ưu tiên các vùng mát lành trên đồi cao như Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt… hoặc vùng biển.
Trong cuốn “The Peoples of French Indochina” của tác giả Olov. L.T. Janse xuất bản năm 1944 có đoạn viết: “Một số khu nghỉ mát bên bờ biển đã được thiết lập, nơi không khí tiếp thêm sinh lực cho du khách, tránh tình trạng mệt mỏi thường đến từ khí hậu đồng bằng nóng ẩm. Trong đó, nơi lý tưởng là Sầm Sơn (Thanh Hóa), Thuận An (Huế)…” (lược dịch).
Đối với địa danh sát biển, người Pháp đưa ra một số tiêu chí như độ thoải dốc của bờ, độ khoáng mặn lý tưởng của nước và cấp độ sóng vừa phải, không có đá ngầm, an toàn khi bơi xa… Đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này, Sầm Sơn nhanh chóng trở thành “khu nghỉ mát lý tưởng nhất Đông Dương".
Ngày 15/9/1904, Toàn quyền Đông Dương Jean-Ernest Moulié ra Nghị định xây dựng các đài quan sát, trạm y tế và trung tâm nghỉ dưỡng, phục hồi sức khoẻ tại bãi biển và ven núi Trường Lệ. Từ đó, những khu nghỉ dưỡng mang đậm kiến trúc Pháp ra đời.
Lý giải thêm cho động thái này, Le Breton, một học giả người Pháp ghi nhận biển Sầm Sơn “là bãi tắm tốt nhất để phục hồi sức khỏe”.
Năm 1906, Moulié tiếp tục cho xây dựng tuyến đường bộ dài 16 km nối Thanh Hóa với Sầm Sơn.
Năm 1907 và những năm sau đó, nhiều villa tiếp tục được xây dựng trên núi Trường Lệ, đó là khu vực Sầm Sơn cao (Sầm Sơn Lehaut), chủ yếu để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của quan chức Pháp, quan lại Triều Nguyễn và giới thượng lưu, quý tộc.
Ở khu vực Sầm Sơn thấp (Sầm Sơn Lebas) xuất hiện những khách sạn của các thương nhân người Việt dành cho khách nội địa. Về sau do chiến tranh tàn phá, số villa, biệt thự trên núi dần mai một.
Như vậy, với cảnh sắc hùng vĩ, hữu tình cùng nhiều thắng tích huyền thoại, người Pháp đã nhìn ra một viễn cảnh sáng giá của Sầm Sơn và đón đầu xu hướng du lịch nghỉ dưỡng từ hơn 100 năm trước.
"Cú ngược dòng" của Sầm Sơn
Năm 1981, thị xã Sầm Sơn được thành lập. Du lịch Sầm Sơn phát triển chậm với số lượng nhà nghỉ đếm trên đầu ngón tay. Chín năm sau đó, toàn thị xã tăng lên 72 cơ sở lưu trú, đón khoảng 110 ngàn du khách/năm. Như vậy, so với tiềm lực và danh tiếng một thời, con số này khá khiêm tốn.
Cơ sở lưu trú bình dân, dịch vụ nhỏ lẻ và tai tiếng “chặt chém” lan xa khiến ít ai còn nhớ đến Sầm Sơn với danh hiệu “điểm nghỉ mát lý tưởng nhất Đông Dương” lừng lẫy một thời.
Trong hoàn cảnh đó, tỉnh Thanh Hóa đã bắt tay củng cố lại vị thế này bằng một cú lội ngược dòng ngoạn mục, với hàng loạt giải pháp đồng bộ, trong đó tư duy du lịch và cách làm du lịch được "cải tổ" quyết liệt.
Với chiến lược tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cao tính cạnh tranh và sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch, năm 2018, Thanh Hóa đón 8,25 triệu lượt khách, doanh thu 10.605 tỷ đồng, vượt qua cả nhiều thành phố biển nổi tiếng khác như Nha Trang (6 triệu lượt khách), Đà Nẵng (7,6 triệu khách). Trong đó Sầm Sơn chiếm khoảng 50% mục tiêu về lượt khách toàn tỉnh, chính thức tái thiết danh hiệu một thời được người Pháp xưng tụng.
Đóng góp cho thành công và sự thay đổi diện mạo đáng nể này, không thể phủ nhận sự góp mặt kịp thời của hệ thống hạ tầng du lịch chất lượng. Trong đó, nổi bật là FLC Sầm Sơn, quần thể nghỉ dưỡng 5 sao đi vào vận hành từ năm 2016. Đây đồng thời cũng là quần thể nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên xuất hiện tại Thanh Hoá.
Quần thể nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên tại Thanh Hóa – FLC Sầm Sơn
Không gian lưu trú cao cấp của FLC Sầm Sơn với hai khách sạn 5 sao thời thượng cùng 70 tiện ích đồng bộ như vườn chim nhiệt đới, sân golf 18 hố dạng links, trung tâm hội nghị quốc tế... đã và đang thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước.
Với chiến lược thu hút đầu tư bài bản kết hợp cùng chính sách quản lý tài nguyên du lịch chặt chẽ, quyết tâm đưa Sầm Sơn trở thành một thành phố du lịch đẹp, hiện đại, đáng sống của lãnh đạo và nhân dân Thanh Hóa đã bước đầu trở thành hiện thực.
Theo baothanhhoa.vn