Nhằm bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Mường, năm 2018, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa đã khôi phục lễ hội rước nước hang Bàn Bù (xã Ngọc Khê) theo nghi thức cấp huyện. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức để tưởng nhớ công lao to lớn của anh hùng dân tộc Lê Lợi và tướng sĩ, nhân dân có công trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ XV. Tuy nhiên, qua biến cố của lịch sử, lễ hội truyền thống này có giai đoạn bị mai một.
Việc khôi phục lễ hội rước nước hang Bàn Bù góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường trên địa bàn huyện và cũng là dịp huyện Ngọc Lặc tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch của huyện nhà gắn với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Những năm gần đây, huyện Ngọc Lặc thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tăng cường sự quản lý về việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Nhờ có nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay huyện đã thành lập câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Mường. Câu lạc bộ đã phát động toàn thể hội viên tham gia sưu tầm vốn văn hóa dân gian của dân tộc Mường, đặc biệt là tổ chức sưu tầm, dàn dựng và biểu diễn, ghi âm, ghi hình những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mường như các trò chơi, trò diễn. Nhiều lễ hội trên địa bàn huyện được khôi phục; các di tích danh lam thắng cảnh được trùng tu, tôn tạo; nhiều trò chơi, trò diễn dân gian được khôi phục.
Đặc biệt, lễ hội pồn pông; xường giao duyên của người Mường Ngọc Lặc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia...
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường ở Ngọc Lặc không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho người dân mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Khánh Linh, baothanhhoa.vn