Về với hội Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) những ngày 12,13 tháng Giêng âm lịch hàng năm, ai ai cũng cảm thấy xao xuyến, bồi hồi bởi khắp nơi đều réo rắt những làn điệu dân ca quan họ đầy tha thiết.
Những liền anh, liền chị xúng xính khăn xếp, áo the, quần lĩnh, áo tứ thân…nô nức đi trảy hội trong lấm tấm mưa xuân càng khiến lòng người náo nức hơn.
Tìm về xóm Đông, thôn Lũng Giang, thị trấn Lim ngày khai hội, chúng tôi gặp cụ bà Nguyễn Thị Bảy, người đã ngót nghét 80 năm gắn bó với những làn điệu dân ca quan họ.
Tiếp nhóm phóng viên trẻ tìm đến hỏi chuyện quan họ, cụ cười bỏm bẻm, hàm răng hạt na đen bóng, mở đầu câu chuyện bằng lời đề nghị duyên dáng, đầy cốt cách của một “chị hai quan họ” truyền thống: “Chờ một lát để bà thay chiếc áo tứ thân”.
“Không nhớ gắn bó với quan họ từ bao giờ, chỉ biết rằng xa xưa lắm, khi mới 13, 14 tuổi, lúc cùng các chị em trong làng dệt vải bên sông, tôi đã bắt đầu ngân nga những câu quan họ đầu tiên”_ cụ Nguyễn Thị Bảy kể.
Tháng năm qua đi, những làn điệu quan họ gắn bó máu thịt với cụ lúc nào không hay, giống như người nghiện nhai trầu, hằng ngày không ngân nga dăm ba câu quan họ là dường như thiếu thiếu điều gì đó.
Thế rồi cụ bắt đầu theo các anh hai, chị hai quan họ học hỏi và luyện tập, dần dà được cùng biểu diễn với họ. Giờ đây các liền anh, liền chị xưa kia từng dạy dỗ và biểu diễn với cụ phần lớn đã thành người thiên cổ, chỉ còn cụ - cô em gái quan họ ngày nào - giờ cũng đã vừa thượng thọ 90.
Dù da nhăn, lưng còng, gối mỏi, nhưng niềm đam mê quan họ trong cụ mãi chẳng chịu…già, ánh mắt cụ Bảy luôn lấp lánh niềm vui khi ngân nga những làn điệu quan họ cổ:
“Nghỉ tay em nâng cái cơi đựng trầu..
Mắt em nhìn, nhìn em liếc, liếc em trông.. cái cơi có đựng trầu..
Trầu têm cánh phượng cùng rằng là dâng lên..
Dâng lên em mời người ơi…”
Cụ Bảy giới thiệu về những liền anh liền chị quan họ cùng thời
“Chơi quan họ tốn công phu lắm, chứ qua quýt thì làm sao chơi quan họ được. Tục lệ quan họ chúng tôi vô cùng quy củ, nền nếp, cái gì thì có thể thay đổi được chứ lề lối thì không thể bỏ được. Chúng tôi dù ở độ tuổi nào đi nữa, thấy anh hai, chị hai bước vào thì phải đứng dậy chào khiêm tốn, kính cẩn.
Anh hai, chị hai ngồi yên vị rồi chúng tôi mới dám ngồi sau, rồi chờ các anh chị ra câu hát trước mới dám đáp lại.
Mở đầu bài hát bao giờ cũng mời trầu têm cánh phượng, thưởng thức quan họ thấy hay thì người nghe thưởng tiền, có thưởng tiền hay không, chúng tôi vẫn hát.
Với tôi, được hát quan họ đã là niềm hạnh phúc. Cứ ở đâu có người muốn nghe quan họ, ở đó tôi sẽ đến”. Cụ Bảy kể, ánh mắt ánh lên niềm tự hào của một thời quan họ.
Cụ Bảy sửa soạn lên đường đến hát mở màn tại nhà văn hóa thôn Lũng Giang nhân ngày khai hội Lim
Trong không khí tưng bừng ngày khai hội Lim truyền thống, đôi mắt cụ vẫn lấp ló đâu đó chút băn khoăn, niềm nuối tiếc…, rằng lề lối quan họ nay đã lạ lẫm hơn xưa, hội Lim giờ cũng ít nhiều thay đổi, bởi cái tâm của người hát, bởi cái tình của người nghe hay bởi không tìm được căn nguyên, người ta đổ cho thế thời phải thế?
Rời khỏi nhà cụ Bảy lúc trời nhá nhem tối, vừa lúc cụ sửa soạn lên đồ đến hát mở màn tại nhà văn hóa thôn, điều mà chúng tôi nhớ nhất không phải là sân khấu chính tưng bừng, náo nhiệt của hội Lim ngoài kia, không phải là những câu quan họ da diết vang lên khắp chốn…mà chính là một cụ bà đã hơn ba phần tư thế kỉ gắn bó với quan họ, bỏm bẻm nhai trầu cười mà rằng: “chơi quan họ cũng lắm công phu…”
Anh Vũ- Lan Hương- Thái Dũng/ Vietnam Journey
Kính mời quý độc giả thưởng thức giọng ca quan họ đặc biệt này:
Video: 90_tuoi_van_hat_quan_ho_.mp4