Đình làng Đình Bảng nằm trên vùng châu thổ sông Hồng, trải dọc theo trục đường quốc lộ 1A, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía Bắc.
Theo sử sách, đình làng Đình Bảng được khởi công xây dựng vào năm 1700 và đến năm 1736 mới hoàn thành.
Người có ý tưởng ban đầu dựng đình là một vị quan người Đình Bảng tên là Nguyễn Thạc Lương. Ông và vợ là bà Nguyễn Thị Nguyên cùng người dân trong vùng đã cùng nhau góp công, góp của để xây dựng ngôi đình.
Cũng như nhiều đình làng Việt Nam dựng vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, đình Bảng có kiến trúc bề thế, hòa hợp với thiên nhiên Việt Nam. Đình có mái dài, cao, các đầu đao uốn cong vút, lợp ngói mũi hài dày bản, rộng khổ. Góc mái tức "tàu đao" làm cong uốn ngược. Trong các công trình kiến trúc gỗ cổ truyền tại Việt Nam, đình Bảng chính là công trình có các đầu đao vươn xa nhất.
Mái đình ở đây có độ vươn xa thuộc hàng lớn nhất ở Việt Nam. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Nhìn bên ngoài, đình có quy mô lớn, đồ sộ, kiểu thức chữ công, gồm hai tòa Tiền đình và Hậu cung được nối với nhau bằng nhà chuyển bồng, khung gỗ lim lực lưỡng, mái ngói đao cong thanh thoát, lại có sàn gỗ tạo nên sự vững chãi nhưng không nặng nề.
Tòa đại đình mang kiến trúc nhà sàn gỗ hình chữ nhật dài 20m, rộng 14m, chia làm bảy gian dựng trên nền đá xanh, được đỡ vững chắc bởi những hàng cột lõi gỗ lim lớn nhỏ có đường kính khoảng từ 0,5- 0,6m. Vẻ bề thế của ngôi đình còn thể hiện phần mái cong toả rộng, vươn rất xa hiếm gặp.
Ngay khi bước qua hai cánh cửa bằng gỗ vào không gian phía trong du khách sẽ choáng ngợp bởi tấm che gian chính điện bằng gỗ có diện tích cực lớn được chạm trổ công phu, tỉ mỉ, rất cầu kỳ.
Không chỉ có vậy, du khách dành thời gian tìm hiểu sẽ càng thấy cuốn hút với vô số các tác phẩm chạm khắc trên gỗ chau chuốt, hài hòa có ở đình, như bức “Bát mã quần phi” nổi tiếng với 8 con ngựa ung dung trên đồng cỏ, hơn 500 đầu rồng chạm khắc tinh xảo mà không chiếc nào giống chiếc nào, hay bức ngũ long tranh châu… Bởi vậy, nhiều bức điêu khắc, trang trí trên gỗ ở đây được coi là những tác phẩm tiêu biểu thế kỷ 18 ở Việt Nam.
Đình Bảng là nơi hội tụ văn hóa tín ngưỡng, nguyên trước Đình thờ 3 vị nhiên thần: Cao Sơn đại vương (Thần Đất), Thuỷ Bá đại vương (Thần Nước) và Bạch Lệ đại vương (Thần Trồng Trọt), đây là các vị thần được cư dân nông nghiệp tôn thờ, cầu mong mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt. Hàng năm vào tháng 12 âm lịch nhân dân lại mở hội cầu khẩn cho một năm mùa màng bội thu.
Cũng tại đình làng nhân dân cũng thờ Lục Tổ (6 vị có công lập lại làng vào thế kỷ XV. Sau này khi đền Lý Bát Đế bị thực dân pháp phá năm 1948, nhân dân đã tiếp nhận bài vị của tám vị vua triều Lý về thờ tại đình Đình Bảng.
Với những giá trị đặc sắc đó, đình Đình Bảng trở thành một trong ba ngôi đình đẹp nhất của xứ Kinh Bắc, được dân gian ca ngợi:
"Thứ nhất là đình Đông Khang
Thứ nhì Đình Bảng, vẻ vang Đình Diềm"
Một góc không gian bên trong đình. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Đình Đông Khang ngày nay không còn, đình Diềm trước có năm gian hai chái nay chỉ còn ba gian hai chái, giờ chỉ còn lại Đình làng Đình Bảng.
Với vẻ đẹp về quy mô kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc, nghệ thuật trang trí và cái quý giá hơn là đình Đình Bảng cho du khách một cái nhìn trọn vẹn của kiến trúc đình làng được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XVIII, trong khi các ngôi đình khác không còn giữ được dáng vẻ nguyên vẹn nữa.
Qua bao thăng trầm của lịch sử, nhân dân Đình Bảng đã bảo tồn và liên tục tu bổ ngôi đình, đáp ứng nhu cầu tâm linh và văn hóa của cộng đồng, đồng thời phục vụ nhu cầu tham quan nghiên cứu một di sản kiến trúc điêu khắc tiêu của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Di tích đình Đình Bảng đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia từ năm 1961.
Với nhiều du khách mỗi khi đến thăm vùng đất cổ xinh đẹp Kinh Bắc, đình làng Đình Bảng là địa danh nhất định phải ghé thăm./.