Phố Đầm nằm sát bên bờ sông Chu xưa kia là nơi trên bến, dưới thuyền buôn bán sầm uất.
Phố Đầm hiện nay chỉ còn 30 ngôi nhà giữ được dáng cũ. Những ngôi nhà cổ rêu phong, kiến trúc hai tầng lợp ngói. Nhà xây bằng tường gạch nung và vôi, mái ngói đất sét nung. Do biến thiên của thời gian bị xuống cấp nên nhiều gia đình đã sửa chữa.
Hiện khu phố Đầm chỉ còn khoảng hơn chục ngôi nhà nguyên bản.
Theo một số tài liệu và các cụ già kể lại vào khoảng thời gian năm 1858 khu vực này có một số người dân từ các nơi tới đây giao thương. Mới đầu chỉ là những lều trại đơn sơ trên bờ dần dần họ ngụ cư lại sinh sống. Lúc đầu chỉ có 36 hộ chia làm 6 giáp (Giáp Phúc Xuyên, Giáp Quảng Ích, Giáp Lương Kiệt, Hào Kiệt, Vạn Quang, Phúc Lộc) hình thành nên con phố buôn bán đông đúc.
Mới đầu người trên này buôn lâm sản, người ở Nam Định, Hà Nam đem theo cá, mắm, muối... các thứ vải vóc đến tụ họp hình thành nên chợ Đầm. Chợ họp 1 tháng 6 phiên vào ngày 5 và 10 còn lại các ngày thường thì chỉ họp chợ chiều ở nơi khác gọi là chợ Hôm. Sau khi hình thành chợ Đầm thì người kéo đến càng đông. Người Phú Thọ vào, người Nghệ An, Hà Tĩnh, trong Nam ra, người Thái Lan tới, bên Thượng Lào đến trên miền núi xuống khu phố cứ thế lớn dần lên.
Sau khi bên kia sông hình thành làng Mía thì có một bến đò qua đây, gọi là bến đò Đầm. Từ bến đò này, người Pháp cho xây một cây cầu để thông thương với vùng Ngọc Lặc.
Đến nay, người dân ở đây vẫn theo các nghề cổ truyền nghề lò rèn (xóm rèn), nghề đan nón lá, mũ, nghề mộc tinh xảo, vàng bạc, nhuộm, đan lát (thúng, mủng, dần, sàng)… hay làm nem, giò, chả, tương “đầm” ngon có tiếng, các loại bánh lá truyền thống và các loại bánh khác…
Lối cổng đi vào một ngôi nhà kiến trúc thời Pháp thuộc.
Bà Cao Thị Đức, một người dân sinh sống trong nhà cổ này ở phố Đầm cho biết, bà là đời thứ 5 sinh sống trong ngôi nhà cổ, "Ngôi nhà do được tổ tiên gây dựng nhờ buôn bán", bà Đức nói.
Đến nay, ngôi nhà hai tầng vẫn gần như nguyên vẹn, tường, sàn và cột xà nhà, chỉ thay thế một vài tấm ván sàn nhà.
Ngôi nhà rộng rãi, thoáng mát, tọa lạc trong khuôn viên rộng hàng trăm mét vuông, tạo không gian thư thái, thoải mái.
Những ngôi nhà mang dấu ấn thời Pháp ở phố Đầm.
Ông Ngô Doãn Luyến, Phó Chủ tịch HĐND xã Xuân Thiên cho rằng, khu vực phố đầm có giá trị về văn hóa, đặc biệt về kiến trúc, lịch sử bởi lúc đó nói đến Phố Đầm nổi tiếng cả miền Bắc rất nhiều người biết, trong khi nói xã Xuân Thiên thì không nhiều người biết.
“Giá trị kiến trúc hoa văn các thời đại ở đây còn lại rất nhiều. Ở đây không chỉ có nhà kiến trúc thời Pháp mà có nhà mang kiến trúc An Nam, có những cái cổng còn nguyên bản rất đẹp và mang tính thời cổ ở các họa tiết hoa văn khác và những nhà gỗ hoàn kiến trúc theo kiểu Việt Nam còn rất nhiều. Nếu bảo tồn, phát huy được đây sẽ trở thành nơi khai thác, tìm hiểu về lịch sử để con cháu đời sau và các thế hệ khác hiểu được chiều dài lịch sử đất nước Việt Nam, trong đó có phố cổ Xuân Thiên", ông Luyến nói./.
Theo vov.vn