Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Quýnh, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cùng các thành viên trong câu lạc bộ Quan họ sinh hoạt, dạy hát cho các cháu nhỏ. (Ảnh: Diệp Trương /TTXVN)
Sau 10 năm Dân ca quan họ Bắc Ninh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2009-2019), đến nay dân ca quan họ phát huy được giá trị văn hóa, có sức sống trường tồn, lan tỏa cả trong nước và quốc tế.
Để có được những thành tựu đó, tỉnh Bắc Ninh nỗ lực, đi đầu trong công tác bảo tồn dân ca quan họ, trong đó phải kể đến chính sách đãi ngộ nghệ nhân, những báu vật nhân văn sống lưu giữ những làn điệu Dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm.
Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã phong tặng 71 danh hiệu nghệ nhân và 5 nghệ nhân ưu tú. Theo đó, các nghệ nhân được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh công nhận được tặng tiền thưởng một lần 5 triệu đồng và được hưởng mức hỗ trợ hàng tháng bằng một lần mức lương cơ sở.
Những nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được hưởng chế độ khen thưởng theo quy định của Nhà nước. Trường hợp Nhà nước không có chế độ đãi ngộ (trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế, mai táng phí…), nghệ nhân đó được hưởng chế độ đãi ngộ của tỉnh Bắc Ninh với mức trợ cấp hàng tháng bằng 2 lần mức lương tối thiểu chung và đều được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thềm (thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, tỉnh Bắc Ninh) là một trong số những người được xét tặng danh hiệu nghệ nhân đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh.
Với bà Thềm, đây không chỉ là niềm vui, vinh dự, tự hào của người chơi quan họ mà còn là trách nhiệm lưu giữ nét đẹp và truyền dạy đến các thế hệ trẻ. Đến nay, với vốn liếng được tích lũy hơn 40 năm, hàng ngày, bà Thềm vẫn say mê, miệt mài truyền dạy quan họ cho lớp lớp các thế hệ không chỉ trong cộng đồng mà còn trong nhà trường.
“Hàng ngày, tôi đến các trường học, trường nghệ thuật dạy hát, buổi tối tôi truyền dạy cho các thế hệ già trẻ trong làng. Nhiều người đam mê, đến tận nhà xin học, tôi sẵn sàng giúp đỡ. Được gắn bó với Dân ca quan họ Bắc Ninh, mỗi ngày tôi đều mong muốn có hành động dù lớn hay nhỏ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, để quan họ trường tồn, lan tỏa mãi mãi", bà Thềm chia sẻ.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thềm, thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, tỉnh Bắc Ninh lên lớp dạy hát Quan họ trong trường học. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)
Đồng quan điểm với nghệ nhân Thềm, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Quýnh (phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cho biết bà bén duyên với quan họ ngay từ khi còn rất nhỏ, theo chân các mẹ, các chị ngồi ngoài thềm “học mót, học lỏm." Bằng niềm đam mê, yêu thích và cố gắng tập luyện mỗi ngày, dân ca quan họ Bắc Ninh đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nghệ nhân Quýnh.
“Trước đây, liền anh, liền chị chơi quan họ rất mộc mạc, chân thành. Chúng tôi chơi say mê, tự nhắc nhau có trách nhiệm gìn giữ nét đẹp văn hóa của quê hương. Đến nay, chính sách hỗ trợ nghệ nhân quan họ ra đời đã hỗ trợ, động viên thích đáng, kịp thời cổ vũ những nghệ nhân có công trong gìn giữ sự nghiệp văn hóa quan họ", bà Quýnh cho biết.
Đến thời điểm này, Bắc Ninh là địa phương đầu tiên và duy nhất trên cả nước thực hiện chính sách hỗ trợ hàng tháng cho các nghệ nhân cũng như hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm cho các làng quan họ gốc, làng quan họ thực hành. Đây là niềm vui, niềm tự hào của cộng đồng quan họ, các nghệ nhân, tập thể, cá nhân đã có đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân ca quan họ Bắc Ninh.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, cho biết một trong những khó khăn hiện nay để bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ Bắc Ninh là bồi dưỡng, tìm kiếm các thế hệ kế cận.
Năm 2010, tỉnh Bắc Ninh phong tặng đợt một cho các nghệ nhân từng chơi quan họ trước năm 1945 nhưng đến nay các nghệ nhân cao tuổi, vốn kiến thức đa dạng, phong phú nhưng khả năng truyền lại cho con cháu không được nhiều do tuổi cao, sức yếu. Do đó, đến đợt hai xét tặng nghệ nhân năm 2018, tỉnh Bắc Ninh hướng tới thế hệ nghệ nhân kế cận, ở họ hội tụ giá trị tiếp thu từ lứa nghệ nhân đi trước, họ vẫn còn sức khỏe có thể học hỏi, biểu diễn và truyền dạy được.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Quýnh, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh dạy hát cho các cháu nhỏ. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)
Trong thời gian tới, để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong cho biết, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục rà soát và bổ sung, phục dựng, bảo tồn không gian sinh hoạt văn hóa quan họ truyền thống ở một số địa phương tiêu biểu như làng Thủy tổ quan họ, khu vực đồi Lim…, tăng cường công tác sưu tầm các tài liệu, hiện vật để xây dựng bảo tàng về quan họ.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ các làng quan họ gốc, các làng quan họ thực hành theo nghị quyết của tỉnh Bắc Ninh đã thông qua; tiếp tục triển khai kế hoạch phục dựng các “nhà chứa quan họ” ở các làng quan họ gốc.
“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới được Bắc Ninh trú trọng là tăng cường các hoạt động truyền dạy dân ca quan họ Bắc Ninh trong cộng đồng và trong hệ thống các trường học, phát huy những nét đẹp văn hóa, lối chơi truyền thống, lối trình diễn quan họ đến các thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá những tinh hoa, những nét hay, nét đẹp của dân ca quan họ Bắc Ninh dưới nhiều hình thức với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, để Dân ca quan họ Bắc Ninh mãi trường tồn và lan tỏa", Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh khẳng định./.
Thái Hùng (TTXVN/Vietnam+)