Ra mắt sách về dòng tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: Lê Bích
Thực tế hiện hữu |
Mặc dù được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2012 nhưng theo số liệu thống kê hiện nay làng tranh dân gian Đông Hồ chỉ có khoảng 20 người thực hành làm tranh và 3 nghệ nhân có thể truyền dạy nhưng đều đã cao tuổi. Đây là một thực tế hiện hữu bởi các làng nghề truyền thống đang đứng trước sức ép, chi phối của kinh tế thị trường. Trong đó làng tranh dân gian Đông Hồ cũng không thể tránh khỏi sức ép này.
Trải qua nhiều thăng trầm của đời sống, xã hội, đến nay cơ bản người dân làng Ðông Hồ không còn sống bằng nghề làm tranh mà chuyển sang trồng trọt, kinh doanh, làm hàng mã. Nếu như trước đây, cả làng có 17 dòng họ làm tranh thì hiện tại, sau khi nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam qua đời, chỉ còn gia đình nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế và con dâu nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam là bà Nguyễn Thị Oanh nối nghiệp.
Mặc dù năm 2012 UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Ðề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Ðông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến 2030” với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Đặc biệt, mới đây Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ được phê duyệt với kinh phí lên tới 91 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2018-2020. Trung tâm đặt tại xã Song Hồ và xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành) với diện tích 19.282m2, gồm nhà truyền thống, nhà giới thiệu quy trình làm tranh, tu bổ nhà thờ, mở lại chợ tranh ngay tại đình...
Tuy nhiên, hoạt động của làng nghề tranh Đông Hồ đến nay vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Đến làng Đông Hồ bây giờ không còn cảnh chợ tranh sầm uất, muôn màu giấy điệp phơi trên sào nứa ngoài sân đất, thay vào đó là sắc màu hàng mã cho người cõi âm như nhà cửa, quần áo, ngựa, tivi, tủ lạnh... đến các phương tiện giao thông hiện đại như xe máy, ôtô.
GS.TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, dòng tranh Đông Hồ đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, mang giá trị to lớn nhưng lại đang mai một. Hàng nghìn bản khắc đang được lưu trữ tại 3 gia đình nghệ nhân gắn bó với nghề tranh tại làng Đông Hồ nhưng phần lớn để phủi bụi, chưa có phương án bảo quản tốt nhất. Thế hệ nghệ nhân có năng lực chạm khắc càng ngày càng ít, số người chạm khắc bản mới rất ít, nguyên liệu làm tranh ngày càng hiếm. Nghề làm tranh có những bí quyết, nhiều công đoạn, không phải mở lớp là đào tạo được lớp kế cận. Bên cạnh đó, đầu ra cho các sản phẩm cũng là một thách thức lớn.
Cần một chiến lược dài hơi để bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ
Chiến lược “dài hơi” |
Với những thực tế trên thì nghệ thuật tranh Đông Hồ hiện nay đang ngổn ngang những trăn trở để tìm ra hướng đi đúng trong câu chuyện bảo tồn và phát triển. Nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế bày tỏ, để giữ được nghề thì điều đầu tiên phải sống được bằng nghề. Những người dân trong làng Đông Hồ cơ bản đều biết về kỹ thuật làm tranh nhưng do nhu cầu thị trường hạn chế, đời sống khó khăn nên việc người dân chuyển sang mưu sinh bằng nghề khác cũng không thể tránh khỏi.
"Nhiều người cũng hỏi tôi, vì sao vẫn bám trụ với nghề? Đơn giản với tôi, đầu tiên là phải có đam mê đặc biệt với dòng tranh truyền thống của quê hương, bản thân cũng theo học ngành mỹ thuật, công tác tại nhiều cơ quan văn hóa khác nhau. Tôi xin nghỉ hưu sớm để chuyên tâm làm tranh. Bên cạnh đó, việc gia đình tôi có thể xoay sở, kinh doanh và sống được nhờ tranh. Thực tế ấy giúp tôi thuyết phục được con cháu trong nhà bỏ nghề nông, làm hàng mã...
Nhưng đó là câu chuyện nhỏ lẻ của riêng gia đình tôi, còn nếu muốn bảo tồn, phát huy nghề làm tranh thì cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, tổ chức văn hóa nghề nghiệp và nhất là lên kế hoạch đầu tư, truyền dạy cho lớp trẻ không chỉ kỹ thuật làm tranh mà còn là đam mê, hy vọng nhìn thấy được ở giá trị của di sản”- nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nói.
Có thể nói, nỗ lực của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cũng chỉ là “một cánh én nhỏ” bởi thực tế với câu chuyện tranh Đông Hồ giờ đây không chỉ dừng lại ở câu chuyện bảo tồn mà cần có những hướng đi để chính những nghệ nhận, những người thực hành vẽ tranh phải sống được bằng nghề. Ở đó, bên cạnh sớm hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO thì câu chuyện “hậu vinh danh” cũng đang là bài toán đặt ra cho các nhà quản lý. Thực tế cho thấy, để bảo tồn và phát triển di sản hậu vinh danh cũng là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý văn hóa.
Trên thực tế, không phải di sản nào cũng “hưởng lợi” sau khi được UNESCO vinh danh, nếu không có một chiến lược phát triển đúng đắn. Bởi để một di sản được vinh danh không phải chuyện đơn giản, nhưng để lưu giữ, bảo tồn di sản ấy lại là một câu chuyện dài. Chính vì thế, để các di sản tránh tình trạng mai một hay bị tước danh hiệu, việc lưu giữ, truyền dạy cho các thế hệ sau thông qua giáo dục, tuyên truyền, biểu diễn... cần thực hiện đồng bộ, sâu rộng trong cộng đồng. Chỉ như vậy, các di sản văn hóa như tranh Đông Hồ mới thực sự ăn sâu vào đời sống cộng đồng và được cộng đồng bảo vệ, tôn vinh.
Việc khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh tour du lịch về làng tranh Đông Hồ và hoạt động quảng bá tranh tới các trường học, thị trường quốc tế... là một hướng đi để lan tỏa giá trị và tìm lại sức sống cho tranh Đông Hồ. Bên cạnh đó, chính các nghệ nhân tranh dân gian cũng tự thân vận động tham gia hội chợ, triển lãm trên toàn quốc... Qua đó, khách du lịch trong và ngoài nước đến làng tranh Đông Hồ ngày một tăng lên.
Minh Quân/ daidoanket.vn