Trong biến thiên của vạn vật, làng tranh Đông Hồ cũng dần thay đổi. Ngày nay đến làng Đông Hồ, nhiều người không dễ tìm được hộ dân nào còn làm tranh. Làng Mái (tên gọi khi xưa của Làng Đông Hồ) ngày nay chuyển dần sang nghề làm hàng mã và trở nên giàu có với nghề này.
Bộ sưu tập lên tới cả ngàn bộ khuôn tranh của nghệ nhân làng Đông Hồ
Không còn huy hoàng như thời cực thịnh của dòng tranh Đông Hồ, hiện nay làng tranh cổ ven đê sông Đuống ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chỉ còn có 2 gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam còn đau đáu với nghề xưa, với dòng tranh truyền thống trên giấy điệp thắm sắc mỗi mùa lễ hội.
Những khuôn tranh cổ được cất riêng trong tủ kính, được nghệ nhân giữ gìn như bảo vật của gia đình
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế đã đem bộ 26 khuôn tranh cổ để tạo nên bức tranh thờ mà ông coi là vật gia bảo lên trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông chia sẻ, bộ khuôn tranh Đông Hồ này đã có tuổi đời lên tới hàng trăm năm.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế mang đến triển lãm bộ khuôn cổ tranh Đông Hồ đã hàng trăm năm tuổi để du khách thưởng lãm
Bên cạnh dòng tranh cổ với gà thư hùng, lợn ăn lá ráy, em bé trong tranh vinh hoa phú quý... và tranh Đông Hồ với hình ảnh xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc, hình ảnh tranh nghinh xuân, sơn du, phúc lộc song toàn..., đến nay, tại làng Đông Hồ còn có dòng tranh mới do các nghệ nhân cải tiến.
Những nét khắc đơn giản trên ván tranh bằng gỗ thị, gỗ mực, gỗ vàng tâm đã tạo ra một bức tranh Đông Hồ "nét tươi trong"
Không chỉ sáng tạo khuôn tranh mới, ông còn tìm mua lại các khuôn tranh cổ từ các gia đình người làng Đông Hồ không còn làm nghề. Ước tính tới nay, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã sưu tập được hàng nghìn bộ khuôn tranh. Giữ gìn và phát huy giá trị của các khuôn tranh cổ là cách các nghệ nhân ngày nay trân trọng nghề xưa, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ.
Thú chơi khuôn tranh hiện nay cũng tạo ra cơ hội mới cho người dân làng tranh Đông Hồ
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế dành toàn bộ 6.000m2 đất của gia đình để tạo lập một khu vực trưng bày sản phẩm, giới thiệu quá trình tạo tác cũng như thực hành sản phẩm tới khách du lịch.
Từ một khuôn tranh đơn giản, qua bàn tay và tâm huyết của các nghệ nhân nhiều thế hệ, tranh Đông Hồ vẫn có sức sống bền lâu cùng năm tháng
Truyền thống là thứ không dễ mất đi nếu nó được lưu truyền bằng tâm huyết, bằng nỗ lực của nhiều thế hệ và cả những cải tiến đổi mới đáp ứng được những đòi hỏi của thực tế cuộc sống. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết, mỗi năm có tới hàng chục đoàn khách từ cả Nghệ An, Thanh Hóa cho tới các tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Lào Cai về làng nghề, cho học sinh trải nghiệm thao tác làm tranh Đông Hồ truyền thống.
Không gian làm tranh trở thành không gian trải nghiệm của các du khách, thổi bùng sức hấp dẫn của những khuôn tranh Đông Hồ
Ở một góc phòng tranh, người con của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế vẫn đang cần mẫn khắc khuôn tranh gỗ. Theo ông Chế, ngày nay, nhiều người treo khuôn tranh như một món đồ trang trí trong nhà, vì vậy cả khuôn tranh cũng trở thành món đồ mang tính thương mại cao. Tiếng búa, tiếng đục, tiếng dập khuôn; tranh chuột, tranh lợn, tranh gà, tranh làng Mái được nối dài sức sống mãnh liệt đến tận mai sau.
L.Sơn/ Báo Tin tức