Ca quan họ cổ - nghề chơi công phu, cầu kì
Chúng tôi tìm về thôn Duệ Đông (Thị trấn Lim, huyện Tiên Du), nơi nổi tiếng với những canh hát hội Lim để gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Đắc. Khi được hỏi về dân ca Quan họ, cụ nở nụ cười hồn hậu: “Với tôi, Quan họ đẹp lắm, đẹp từ lời ăn tiếng nói giao tiếp đến ca từ”. Cụ ngân nga mấy lời thơ trong một bài quan họ cổ rồi ca tặng tôi một đoạn: “Bước sang năm mới tháng xuân/Ước gì tôi được đứng gần giàn hoa/Trong giàn hoa có bóng giãi kề/Đôi người thương đến chớ nề thấp cao”.
Dù tuổi đã cao song giọng hát của cụ vẫn tròn vành, giữ được độ vang, rền, nền, nảy trong từng lời ca. Cuộc đời cụ Đắc với Quan họ giống như một mối lương duyên không thể tách rời. Sinh ra và lớn lên trên miền quê Kinh Bắc, mảnh đất sản sinh ra làn điệu dân ca trữ tình đã nuôi dưỡng niềm đam mê quan họ của cụ.
Bén duyên với quan họ từ thuở niên thiếu, tính đến nay, cụ đã gắn bó với quan họ hơn 80 năm. Trong hồi ức của cụ Đắc ngày ấy, lên 14 tuổi, cụ đã hát quan họ thuần thục. Hồi đó không có nhiều sách vở như bây giờ nên cụ học ca quan họ chủ yếu qua truyền khẩu. Đi đến đâu hát, cụ lại học hỏi ở nơi đó một ít, cứ thế mà vốn liếng đầy dần.
Theo lời bà Nguyễn Kim Thanh, Chủ nhiệm CLB quan họ thôn Duệ Đông, cụ Đắc là người luôn hết lòng với quan họ. Dù tuổi đã cao cụ vẫn không bỏ một canh hát nào mỗi dịp hội Lim. Cụ Đắc tâm sự: “Ngày xưa, mỗi lần làng kết chạ có hội mời sang hát chúng tôi đều phải đi bộ. Đường xa, cứ vừa đi vừa nghỉ nhưng vui lắm, nhiều khi chúng tôi bỏ cả công việc vì những canh hát”.
Cụ Đắc dành tình yêu đặc biệt cho quan họ cổ. “Quan họ mới có cái hay riêng nhưng để thấm được cái tình, sự tinh túy mà người Kinh Bắc gửi gắm phải tìm về với quan họ cổ”. - cụ nói.
Người Kinh Bắc không gọi việc ca quan họ cổ là “trình diễn” mà nâng tầm lên bằng một chữ “chơi”. Muốn biết “nghề” thì phải học, nhưng muốn “chơi” được với nghề thì dứt khoát phải đam mê, phải nắm được và sử dụng nhuần nhuyễn những “công phu” của nghề.
Dù tuổi đã cao, cụ Đắc vẫn tham gia hát canh mỗi dịp hội Lim.
Quan họ cổ Bắc Ninh có khoảng 200 lối chơi với hàng trăm, thậm chí đến cả nghìn bài hát, trong đó có những quy định nghiêm ngặt, đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ. Vào đầu là khúc mời nước mời trầu, ra về là giã bạn, phần giữa là màn đối đáp - thể hiện đậm đặc nhất cách chơi quan họ cổ. Theo cụ Đắc, cái hay của chơi quan họ ở chỗ người chơi đồng thời là người thưởng thức cái tình của quan họ.
Lề lối của các bài hát quan họ cổ thường được hát ở nhịp độ chậm, nhiều tiếng đệm, lời phụ với kỹ thuật hát vang, rền, nền, nảy, ngắt, rớt. Quan họ cổ hát bằng đam mê trong lồng ngực, khi ngân lên không cần nhạc đệm vẫn nghe rõ lời.
Nhớ lại một thời vang bóng của quan họ cổ, cụ Đắc không giấu nổi niềm vui xen lẫn sự xúc động. Cụ say sưa kể về những canh hát thâu đêm suốt sáng, về tình nghĩa của người quan họ xưa. Cụ trải lòng: “Ngày xưa bọn quan họ chúng tôi có mười người, gặp nhau là hát, vậy mà giờ cứ lần lượt ra đi, chỉ còn lại tôi với ông Kế (nghệ nhân quan họ Nguyễn Thừa Kế).
Thế nhưng, còn sống thì tôi còn yêu và giữ gìn quan họ cổ. Chỉ tiếc rằng, giới trẻ ngày nay không mặn mà với quan họ cổ như thế hệ chúng tôi ngày trước. Người trẻ bây giờ thích ca quan họ mới hơn vì lời dễ hát, lại có nhạc đệm”.
Bảo tồn và giữ gìn truyền thống hát quan họ
Năm 1992, CLB Quan họ thôn Duệ Đông chính thức được thành lập, tập hợp những liền anh, liền chị theo từng thôn, trong đó cụ Đắc và nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế là hạt nhân chính. Ban đầu, CLB chỉ có 10 thành viên nhưng đến nay đã có hơn 40 người tham gia. Sau 27 năm kể từ khi đi vào hoạt động, CLB Quan họ thôn Duệ Đông đã trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu giữa những người yêu quan họ, đồng thời là nơi truyền dạy, ươm mầm tình yêu dân ca Quan họ cho lớp trẻ.
Với tâm niệm gìn giữ và phát huy truyền thống hát quan họ, dù không thể lên lớp thường xuyên do tuổi đã cao, cụ Đắc trở thành cố vấn cho học viên. Năm 2009, Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, cụ càng có thêm động lực để tiếp tục công việc của “người truyền lửa”.
Nói về tương lai của quan họ, giọng cụ tràn đầy lạc quan: “Quan họ làm sao mai một được! Tre già thì măng mọc, tôi cùng nhiều liền anh, liền chị ở vùng Lim luôn hết lòng truyền dạy, lan tỏa tình yêu quan họ đến với mọi người, mọi nhà”.
Hoàng Mai, Thanh Huyền/baobacninh.com.vn