Dựa trên tỷ lệ vàng, các nhà nghiên cứu đưa ra bảng xếp hạng những tòa nhà đẹp nhất. Trong đó, khách sạn Marina Bay Sands ở Singapore xếp thứ 2, sau nhà thờ St Paul của Anh.
10. Lâu đài Neuschwanstein, Đức. Năm hoàn thành: 1886. Lâu đài Neuschwanstein là cung điện có từ thế kỷ 19 ở phía tây nam Bavaria, Đức. Hơn 61 triệu du khách đã đến thăm nơi đây, với 6.000 người mỗi ngày vào mùa hè. Địa điểm này cũng là nguồn cảm hứng cho lâu đài trong phim hoạt hình Disney Người đẹp ngủ trong rừng. 63,10% được căn chỉnh theo tỷ lệ vàng
9. Dancing House, Cộng hòa Séc. Năm hoàn thành: 1996. Trong quá trình xây dựng, thiết kế phi truyền thống của Dancing House đã gây tranh cãi bởi có hình dáng nổi bật giữa các tòa nhà Baroque, Gothic và Art Nouveau nổi tiếng. Ban đầu, ngôi nhà được đặt tên là "Fred and Ginger" (theo tên của các vũ công Fred Astaire và Ginger Rogers), nhưng hiện nay, biệt danh này hiếm khi được sử dụng. 66,87% được căn chỉnh theo tỷ lệ vàng
8. Taj Mahal, Ấn Độ. Năm hoàn thành: 1653. Là một trong 7 kỳ quan hiện đại của thế giới, khu phức hợp Taj Mahal được xây dựng với chi phí ước tính khoảng 95 triệu USD hiện nay. Năm 1983, Taj Mahal được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO. Nơi đây được coi là ví dụ điển hình nhất về kiến trúc Mughal và trở thành biểu tượng lịch sử nổi tiếng hàng đầu của Ấn Độ. 67,45% được căn chỉnh theo tỷ lệ vàng
7. Nhà thờ Florence, Italy. Năm hoàn thành: 1436. Việc xây dựng nhà thờ Florence bắt đầu năm 1296 và được hoàn thành về mặt cấu trúc vào năm 1436. Vương cung thánh đường này là một trong những nhà thờ lớn nhất Italy. Cho đến ngày nay, mái vòm ở đây vẫn là mái vòm bằng gạch lớn nhất từng được xây dựng. 67,52% được căn chỉnh theo tỷ lệ vàng
6. Casa Mila, Tây Ban Nha. Năm hoàn thành: 1912. Casa Mila là tòa nhà theo chủ nghĩa hiện đại ở Barcelona và là dinh thự tư nhân cuối cùng do Antoni Gaudi thiết kế. Khi được đưa vào hoạt động năm 1906, công trình gây tranh cãi vì có mặt tiền chất liệu đá nhấp nhô và ban công bằng sắt rèn uốn lượn. Vào năm 1984, nơi đây được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. 68,64% được căn chỉnh theo tỷ lệ vàng
5. Nhà thờ St Basil, Nga. Năm hoàn thành: 1561. Nằm ở quảng trường Đỏ, Moscow, nhà thờ St Basil là một trong những biểu tượng văn hóa nổi tiếng nhất của Nga. Được xây dựng theo lệnh của Ivan IV Vasilyevich, công trình bao gồm 9 mái vòm (mỗi mái tương ứng với một nhà thờ) và được cho là có hình dáng giống ngọn lửa trại bốc lên bầu trời. 69,10% được căn chỉnh theo tỷ lệ vàng
4. Lâu đài Osaka, Nhật Bản. Năm hoàn thành: 1583. Lâu đài Osaka là một trong những địa danh nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Tòa lâu đài có 5 tầng ở bên ngoài và 8 tầng bên trong. Với diện tích khoảng 61.000 m2, khuôn viên lâu đài có 13 công trình kiến trúc hiện được chính phủ Nhật Bản công nhận là tài sản văn hóa quan trọng. 70,38% được căn chỉnh theo tỷ lệ vàng
3. Tu viện Westminster, Anh. Năm hoàn thành: 1745. Tu viện Westminster là nơi truyền thống diễn ra lễ đăng quang và chôn cất các vị vua Anh, đồng thời cũng là một trong những công trình tôn giáo nổi bật nhất của đất nước. Trên thực tế, tu viện thực sự là nơi chôn cất của hơn 3.300 người, trong đó có ít nhất 16 vị quốc vương, 8 thủ tướng, các nhà thơ, diễn viên, nhà khoa học và nhà lãnh đạo quân sự. Tu viện bị hư hại nặng nề bởi các vụ đánh bom trong Thế chiến thứ hai, nhưng đã được khôi phục ngay sau chiến tranh. 70,50% được căn chỉnh theo tỷ lệ vàng
2. Khách sạn Marina Bay Sands, Singapore. Năm hoàn thành: 2010. Được thiết kế bởi Moshe Safdie, Marina Bay Sands là khu nghỉ dưỡng tích hợp bao gồm khách sạn 2.561 phòng, trung tâm triển lãm, trung tâm mua sắm, bảo tàng, nhà hát lớn, nhà hàng, gian hàng pha lê nổi và sòng bạc ở giếng trời lớn nhất thế giới. Cấu trúc gây ấn tượng với tòa nhà SkyPark nằm ngang phía trên 3 tòa tháp. 70,88% được căn chỉnh theo tỷ lệ vàng
1. Nhà thờ St Paul, Anh. Năm hoàn thành: 1710. Đứng ở vị trí đầu bảng là nhà thờ St Paul, công trình ấn tượng trên đường chân trời của thủ đô nước Anh. Sir Christopher Wren, một nhà khoa học, toán học và kiến trúc sư nổi tiếng, đã dành 9 năm để lập kế hoạch xây dựng lại các thánh đường của nhà thờ sau khi nơi này bị phá hủy trong trận đại hỏa hoạn ở London. Ngày nay, mỗi năm, nhà thờ St Paul đón khoảng 2 triệu du khách ghé thăm. 72,28% được căn chỉnh theo tỷ lệ vàng
Theo Zing