Khách du lịch thích thú với góc thư viện
Hơn 4000 đầu sách bằng 45 thứ tiếng, hàng ngàn kỉ vật của các đài phát thanh trên thế giới, trong đó có hàng trăm kỉ vật từ Đài TNVN là những con số ấn tượng mà Bảo tàng và thư viện tư nhân DX (DX Museum & Library) đang lưu giữ. Đây là công sức của ông Hazarin R Junep, 60 tuổi, một thính giả Indonesia trung thành của đài TNVN.
“Tôi nghe đài từ khi còn nhỏ. Năm 1987, tôi bắt đầu sưu tập rất nhiều kỉ vật từ các nơi trên thế giới. Tôi muốn lưu giữ lại những đồ vật này và biến chúng thành nguồn giáo dục cho thế hệ trẻ. Rất tiếc là vào năm 2010 xảy ra trận động đất lớn, tôi đã bị mất đi nhiều tư liệu quý. Tôi lại bắt đầu gây dựng lại. Và DX Museum & Library chính thức hoàn thành vào năm 2015 như các bạn đã thấy ở đây".
Góc kỉ vật các đài phát thanh trên thế giới tặng
Bảo tàng và Thư viện DX được xây dựng trên ngay chính mảnh đất của gia đình ông Hazarin, mở cửa tất cả các ngày trong tuần và không thu phí. Từ ngày khánh thành bảo tàng, căn nhà nhỏ của ông tấp nập người qua lại. Góc thư viện là nơi các bạn sinh viên thường lui tới để tìm đọc những tài liệu quý hiếm. Những cuốn sách nằm ngay ngắn trên giá, được đánh số thứ tự và gắn biển phân loại, dễ dàng cho việc tìm kiếm.
Liana, sinh viên trường Đại học Gadjah Mada chia sẻ: “Em học nghiên cứu về Đông Nam Á. Những ngày nghỉ em cùng các bạn học cùng trường đại học Gadjah Mada thường đến đây mượn sách đọc, đặc biệt sách học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Ở đây thậm chí còn có cả đĩa CD danh lam thắng cảnh đẹp và CD nhạc Việt Nam nữa, rất thú vị”.
Góc kỉ vật bao gồm nhiều quà tặng lưu niệm của các đài phát thanh trên thế giới được bày trang trọng trong các tủ kính. Niềm đam mê du lịch, nghe đài và viết thư cho hầu hết các đài phát thanh sóng ngắn và sóng trung trên thế giới đã giúp ông Hazarin có một bộ sưu tập kỉ vật rất quý hiếm. Tất cả đều được ông giữ gìn cẩn thận và phân theo khu vực từng nước. Bất kì du khách nào ghé chân tới bảo tàng này đều cảm thấy rất thích thú khi bắt gặp những nét quen thuộc của đất nước mình. Nổi bật nhất là “Góc Việt Nam”.
“Xây dựng một góc đặc biệt cho VOV và Việt Nam bởi VOV đã gắn bó với tôi như một người bạn lâu đời. Ngày còn nhỏ, tôi và anh trai thường nghe Đài TNVN, chương trình tiếng Indonesia, tiếng Anh và tiếng Pháp. Việt Nam hiện lên trong tôi là một vùng đất vô cùng hấp dẫn. Năm 2012, tôi quyết định tới thăm Việt Nam và nơi đầu tiên tôi ghé thăm là VOV. Tôi rất thích lịch sử Việt Nam và người mà tôi khâm phục nhất là bác Hồ, người bạn của Tổng thống Soekarno. Và bây giờ tôi muốn thể hiện tình yêu của mình đối với mảnh đất, con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam bằng chính Góc Việt Nam này".
Ông Hazarin R Junep tại góc Việt Nam trong bảo tàng
Và thế là "Góc Việt Nam" cứ đầy ắp lên từng ngày với những vật kỉ niệm của hơn 10 chuyến đi tới Việt Nam và của những bức thư qua lại với VOV suốt mấy chục năm qua. Ở góc Việt Nam có một tủ kính dài, bên trong là hiện vật do VOV tặng như: chứng nhận nghe đài, tượng cô gái mặc áo dài, mũ, áo hay những đồng tiền Việt Nam, pin, đồng xu, tem, đĩa CD… Phía bên trên tủ kính, lá cờ đỏ sao vàng được treo ở vị trí cao nhất, bên dưới là ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những bức tượng trong trang phục đồng phục VOV, đội mũ bộ đội cụ Hồ làm cho góc Việt Nam trở nên sinh động. Đáng quý nhất là bộ sưu tập tem với hơn 10 quyển album được giữ lại từ những bức thư tay mà VOV gửi cho ông từ những năm 80. Ngoài ra còn có các con tem khác được ông sưu tập trong chuyến đi đến Hà Nội năm 2012 sau khi nghe phóng sự về “Phiên chợ tem ở Hà Nội” của VOV.
Quà tặng của VOV
Sách viết về lịch sử Việt Nam
Ủng hộ niềm đam mê của chồng, bà Sri Andayani Junep, người bạn đời đã cùng ông Hazarin xây dựng bảo tàng này chia sẻ: “Là một người đồng hành, tôi hoàn toàn ủng hộ những gì chồng tôi làm. Tôi đã cùng chồng gìn giữ, nâng niu những kỉ vật từ các đài phát thanh hơn 20 năm qua. Chúng tôi có 3 đứa con và chúng đều rất yêu quý công việc mà chúng tôi đang làm. Chúng tôi làm không phải vì lợi ích kinh tế mà vì một tình yêu lớn đối với các làn sóng phát thanh và vì niềm đam mê với các nền văn hoá và với các mảnh đất mà chúng tôi đi qua”.
Tới nay, Bảo tàng và Thư viện DX không chỉ là tài sản riêng của ông Hazarin mà đã trở thành ngôi nhà chung của những người yêu đài trên toàn Indonesia. Rất nhiều thính giả đã tin tưởng, gửi gắm những kỉ vật quý giá tới bảo tàng để nhờ lưu giữ và chia sẻ với những người cùng sở thích. Bảo tàng và Thư viện DX cứ thế lớn lên từng ngày trở thành biểu tượng của tình yêu đối với đài phát thanh của những thính giả trên đất nước vạn đảo Indonesia.
Hương Trà/VOV Indonesia