Nhà thời Trung Cổ ở Reccopolis, xây dựng tại nơi từng có một công trình của người Visigoth. Ảnh: SANTI BURGOS
Sở dĩ mất nhiều thời gian đến thế là vì cuối thế kỷ 19 trong giới sử học Tây Ban Nha hầu như không người nào biết tiếng Ả rập. Họ biết tiếng Hy Lạp và Latinh, nhưng hầu như không có ai làm gì liên quan tới các nguồn tư liệu về Hồi giáo. Mãi cho đến khi nhà khảo cổ học người Tây Ban Nha Juan Catilina Garcia Lopez bắt đầu đặt câu hỏi về “Lâu đài Rochafrida của Vua Pipino”, được nhắc đến trong bản kê tài sản của vua Felipe II, thì các nhà lịch sử mới bắt đầu nghiên cứu những ghi chép viết bằng tiếng Ả rập.
Đó là năm 1893, khi đang đi thăm các cộng đồng ở La Alcarria, trung Tây Ban Nha, nơi người ta cho là có một thành phố bí ẩn, nhà khảo cổ Garcia Lopez đã vô tình tìm thấy dấu tích của Reccopolis, quần thể cung điện rộng 33 hecta (22 hecta có tường thành bao quanh) được xây dựng vào năm 578 theo lệnh vua Liuvigild, vị vua quan trọng nhất trong các vương triều của người Visigoth.
Người Visigoth là ai? Người Visigoth là một bộ tộc German, đã xây dựng nên cả một đế chế rộng lớn (bao gồm Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ngày nay) sau khi đế chế La Mã sụp đổ vào thế kỷ thứ 4. Đế chế của người Visigoth tồn tại tới thế kỷ thứ 7, khi người Ảrập xâm chiếm phần lớn khu vực. |
Từ đó, hàng chục nhà khảo cổ đã đến khai quật nơi đây, phát hiện thêm một thành phố khác chỉ cách đó vài kilomet - thành phố Zorita de los Canes ở tỉnh Guadalajara. Một chuyến đi tới công viên khảo cổ này sẽ đem lại cái nhìn chi tiết về một trong những chương ít được biết đến nhất trong lịch sử Tây Ban Nha.
Vua Liuvigid đã đạt tới đỉnh cao quyền lực của mình. Vương quốc của ông mở rộng ra hầu hết bán đảo Iberia và miền Nam nước Pháp. Để thể hiện quyền lực hùng mạnh của mình, nhà vua quyết định xây dựng hẳn một thành phố, là thành phố duy nhất thời Trung cổ được xây theo lệnh của triều đình.
Ngôi thành mới này sẽ là trung tâm vương quốc và được đặt tên là Reccopolis theo tên của người thừa kế: Reccared I. Reccopolis được ví là Versailles của người Visigoth, có đầy đủ từ các cung điện, một trong số đó cao 2 tầng, dài 139 mét - có cửa hàng cửa hiệu, có khu dinh thự của quý tộc, các tiệm thủ công với cửa sổ trưng bày, đường dẫn nước và tường thành dài 2km.
Một nhà khảo cổ học tại khu khai quật cửa hàng và nhà ở của quý tộc. Ảnh: SANTI BURGOS
Từ năm 1992, các cuộc khai quật tại khu di tích được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Lauro Olmo Enciso, giáo sư khảo cổ tại đại học Alcala de Henares. Ông tiếp nối công việc của những nhà khảo cổ đi trước, trong số đó có Juan Cabre, là người vào những năm 1940 đã tìm ra kho báu xu vàng được cất giấu thời thành phố xây dựng Vương cung thánh đường.
Chỉ riêng việc đi dạo quanh khu di tích cùng giáo sư Olmo Enciso đã là một trải nghiệm thú vị. Vị giáo sư chỉ tay miêu tả chiều cao ban đầu của bức tường, dùng tay vẽ lại hình những vật quý trong cung điện, đã biến mất từ vài thế kỷ trước, chỉ ra vị trí của ngoại vi thành phố, nơi bây giờ đang nằm chôn vùi sâu trong đất.
"Họ hỏi chúng tôi vì sao chúng tôi không khai quật thêm nữa và câu trả lời đơn giản là: vì đây không phải một công viên giải trí. Việc đầu tiên chúng tôi phải làm là hiểu thật kĩ những gì mình đã khai quật. Đã có đủ việc để làm cho hàng chục, hàng chục năm. Chúng tôi khai quật trong 1 tháng và dành 11 tháng còn lại trong phòng thí nghiệm.” Giáo sư Olmo Enciso nói.
Công viên khảo cổ mở cửa quanh năm và nếu đến vào mùa hè thì cần nhớ mang mũ và nước uống.”Tôi luôn nghĩ rằng người những người Visigoth xây dựng nơi đây chắc hẳn đã phải đeo kính râm, đặc biệt là vì họ quét vôi trắng mọi thứ.” Vị giáo sư nói đùa khi ông nhìn về phía thung lũng, nơi dòng nước xanh biếc của sông Tagus chảy giữa các cánh rừng và ruộng nương.
Tại làng Amonacid, một trong những làng lớn nhất nơi đây, những dòng graffiti trên tường viết: "Tây Ban Nha hoang hóa." Như nhiều nơi ở trung Tây Ban Nha, Zorita de los Canes đang đối mặt với vấn đề suy giảm dân số, hậu quả của việc đóng cửa nhà máy hạt nhân và vắng khách du lịch. Vào mùa đông, dân số trong làng chỉ dưới 40 người.
Reccopolis là biểu tượng của tất cả mọi thứ đáng lẽ đã ở đây nhưng lại không. Dấu tích của quần thể cung điện trên con đồi um tùm cỏ cây giờ đây có thể nhìn thấy giữa những thung lũng xanh, những cung đường vắng vẻ, dưới mặt trời chói chang và trên các thửa ruộng đan xen đều tăm tắp. Sau khi chính quyền địa phương ở Castile-La Mancha và Đại học Alcala de Henares cạn vốn, người ta đã đề nghị chính quyền trung ương hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, bảo tồn.
“Người Ả rập đã lấy đá và các bức tượng ở nơi khác về xây Zorita de los Canes”, giáo sư Olmo Enciso nói khi miêu tả một vài cổ vật, chẳng hạn chiếc cân thời La Mã được tìm thấy cạnh một tòa nhà nguy nga gần cung điện chính.”Điều này cho thấy, chẳng hạn như, tòa nhà này là nơi người ta cân hàng hóa sau khi đem chúng vào trong thành."
Lối vào nhà thờ Trung cổ ở Reccopolis. Ảnh: SANTI BURGOS
Vào năm 711, người Hồi giáo xâm chiếm Tây Ban Nha và Reccopolis thất thủ. Thành phố không bị phá đi mà thay vào đó, được biến đổi theo nhu cầu của các chủ nhân mới. Các tòa dinh thự quý tộc được chia ra để làm nhà ở cho dân thường. Một nhà thờ Hồi giáo được dựng lên. Nhưng một đám cháy khủng khiếp, theo các chuyên gia là do bị đốt, đã phá hủy tổ hợp cung điện này vào khoảng giữa cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Đám cháy khiến Muhammad I sau đó đã cho lấy đá ở Reccopolis mang đi xây dựng thành Zorita de los Canes trên sông Tagus, hoàn thành vào năm 855.
Vào năm 1124, sau hàng loạt cuộc chiến, người Cơ đốc chiếm lại Zorita de los Canes từ tay người Hồi. Thành phố bước vào giai đoạn biến đổi thời Trung cổ, với rất nhiều công trình do người Cơ đốc xây dựng còn tồn tại cho đến ngày nay.
Những người dân ở Zorita de los Canes cũng không từ bỏ di sản của mình. Họ biết rằng họ đang sống giữa 2 kho báu: quần thể cung điện do Liuvigid vẽ nên, và thành trì mơ ước của Muhammad I.
Ngày nay, nơi này là một điểm đến yêu thích của những du khách yêu lịch sử.
Hồ Sỹ Minh/theo El Pais