Thành phố nhỏ Beppu trên đảo Kyushu phía nam Nhật Bản là một trong những điểm nóng của hiện tượng địa nhiệt trên trái đất. Thành phố này có tới hơn 2.900 hố địa nhiệt, phun tới 13.000 tấn nước nóng mỗi ngày.
Hơi nóng khiến thành phố quanh năm mờ ảo, nhưng lại là một điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình tắm nước nóng, tiếng Nhật gọi là onsen. Chính vì thế, Beppu còn được mệnh danh là trung tâm onsen của Nhật Bản.
Nhưng không chỉ có onsen, các suối và hồ nước nóng còn là những điểm du lịch kỳ thú, trong đó có 8 khu nước nóng nổi tiếng được gọi là “8 địa ngục”. Jigoku Meguri hoặc “8 địa ngục” tập trung tại vùng Kannawa, là những dòng suối nước nóng đã tồn tại hơn một nghìn năm.
Khu Kannawa là nơi tập trung nhiều suối nước nóng ở Beppu
Một phần là do khu vực này lúc nào cũng nghi ngút khói như trong lò địa ngục và phần khác là do nước tại đây rất nóng nên người thời xưa không có phương tiện thì khó đến được nơi này nên người Nhật đặt tên cho khu vực này là “địa ngục” . Mỗi địa ngục lại có một tên gọi đặc biệt, tùy thuộc vào đặc điểm hình dạng hồ nước, màu sắc của nước, của khói và những đặc trưng khác.
Trước hết là Umi Jigoku có nghĩa là Địa ngục Biển. Ở đây có hố nước nóng màu cô-ban sâu tới 200 mét và nhiệt độ trung bình khoảng 98 độ C. Hố nước nóng này được hình thành sau khi núi lửa Tsurumi phun trào cách đây khoảng 1.200 năm.
Ngay cạnh hố nước nóng bốc hơi nghi ngút là một hồ rộng, trồng nhiều sen và súng, đặc biệt là loại sen có lá khổng lồ. Trời vào thu, đã qua mùa hoa, nhưng nước hồ trong xanh in bóng những rặng cây bắt đầu chuyển màu lá trên núi, tạo ra khung cảnh rất thơ mộng.
Umi Jigoku là một thắng cảnh nổi tiếng
Một cái tên thú vị khác là Kamado Jigoku có nghĩa là Địa ngục Nồi nấu. Tên gọi này bắt nguồn từ việc nguồn nước nóng ở đây khá tinh khiết nên người dân dẫn hơi nước nóng từ suối lên để nấu cơm và dâng cho các vị thần bảo hộ. Hiện nay du khách đến tham quan Kamado Jigoku cũng có thể được thưởng thức những món ăn từ những nồi nấu được đặt trực tiếp trong hồ nước nóng.
Oniishibozu Jigoku có nghĩa là Địa ngục Đầu sư. Tên gọi này xuất phát từ việc ở đây có hố bùn với các bọt bong bóng tròn xoe màu xám trên bề mặt trông giống như đầu sư. Trong khi đó Yama Jigoku – Địa ngục Núi là nơi nước nóng chảy qua những khe núi khiến cho khung cảnh trông như thể ngọn núi đang bốc cháy.
Những bong bóng tròn xoe trong hố bùn màu xám là đặc trưng của Oniishibozu Jigoku
Hai khu địa ngục đặc biệt được đặt tên theo màu của nước hồ là Chinoike Jigoku – Địa ngục Máu và Shiraike Jigoku – Địa ngục Trắng. Nước trong hồ ở Địa ngục Máu có chứa nhiều sa thạch, oxit magie, oxit sắt – những kim loại có màu đỏ nên nước cũng có màu đỏ như máu.
Còn ở Địa ngục Trắng thì màu nước và khói ở đây có những thời điểm biến thành màu trắng như sữa do quá trình phản ứng giữa axit boric, muối, natri silicat và canxi bicacbonat.
Oniyama Jigoku có lẽ là một trong những địa ngục thú vị nhất. Tên gọi Địa ngục Cá sấu này xuất phát từ việc ở đây nuôi rất nhiều cá sấu từ đầu thế kỷ 20. Nhiệt độ và điều kiện tự nhiên ở khu vực này rất thuận lợi cho sinh sản của loài cá sấu và cá sấu nuôi tại đây đặc biệt to lớn.
Màu đỏ "rùng rợn" của Chinoike Jigoku
Cuối cùng là Tatsumaki Jigoku – Địa ngục Vòi phun. Tại đây có một mạch nước nóng phun rất mạnh, có thể cao tới 50 mét, và cứ sau khoảng 30 – 40 phút nghỉ nước lại phun lên một lần trong khoảng 5 – 7 phút.
Khi đến với khu vực 8 địa ngục, bạn có thể ngâm chân, thư giãn. Bạn cũng đừng quên thưởng thức các món ăn hấp dẫn như trứng luộc hay món bánh pudding được hấp trong nước nóng, hoặc mua loại thuốc mỡ Chinoike, trong thành phần có đất sét Chinoike, có tác dụng chữa bệnh ngoài da rất hiệu quả.
Để đến khu vực Jigoku Meguri có thể lái xe hoặc đi xe buýt từ ga Beppu. Vé tham quan khu vực 8 địa ngục có 2 loại: loại trọn gói từ 900 Yên đến 2000 Yên tùy theo độ tuổi trẻ nhỏ hay người trưởng thành; tương tự, giá vé vào thăm từng địa ngục lẻ là từ 200 Yên đến 400 Yên.
Bài và ảnh : Dương Thanh Mai - Phạm Hằng