Tàn tích của nền văn minh cổ đại tại Mesa Verde. Ảnh Alexey Kamenskiy/Shutterstock
Văn minh Ancestral Pueblo
Văn minh Ancestral Pueblo, mà người Navajo ở Tây Nam Mỹ gọi là "Anasazi", là một trong những nền văn minh nổi tiếng nhất đã bị diệt vong vì biến đổi khí hậu. Người Anasazi từng cư trú rộng khắp trên cao nguyên Colorado, ở những nơi như Chaco Canyon và Mesa Verde. Khoảng thế kỷ 12-13, họ phải bỏ nhà cửa ra đi và người đời sau không ai biết rõ lý do vì sao.
Người ta tìm thấy bằng chứng về vũ khí, giết người tế thần và ăn thịt người, nhưng nhiều nhà khoa học suy luận rằng, biến đổi môi trường mang tính hủy diệt là nguyên nhân chính. Theo chi nhánh Cổ khí hậu học, thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ NOAA, sự suy giảm các ngôi làng ở Mesa Verde và Chaco Canyon diễn ra trùng với thời điểm hạn hán kéo dài ở San Juan Basin từ năm 1130 tới năm 1180. Ít mưa cộng với môi trường sưu cao thuế nặng đã dẫn tới thiếu lương thực. Kể cả các phương pháp thủy lợi khôn ngoan nhất cũng không thể khắc phục được hậu quả hạn hán. Kết cục là người dân bắt đầu rời bỏ đi.
Đền Ta Prohm ở Angkor, Campuchia. Ảnh: Kushch Dmitry/Shutterstock
Đế chế Khmer ở Campuchia cổ đại
Thành lập đầu tiên vào thế kỷ thứ 9, Angkor Wat từng là trung tâm đô thị tiền công nghiệp lớn nhất thế giới. Là niềm tự hào của đế chế Khmer, ngôi thành nổi tiếng về độ giàu có, những di sản nghệ thuật và kiến trúc phong phú, và mạng lưới đường dẫn nước tinh vi, những hồ trữ nước dồi dào.
Tuy nhiên tới thế kỷ 15, ngôi thành hùng mạnh này đã trở nên hoang phế do khai thác sinh thái quá mức và đã xảy ra một cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng. Nhà nghiên cứu Mary Beth Day của trường Đại học Cambridge nói với tạp chí LiveScience rằng, "Angkor có thể là một ví dụ về việc công nghệ không phải lúc nào cũng đủ sức ngăn chặn đổ vỡ lớn. Angkor có một cơ sở hạ tầng quản lý nước rất tinh vi, nhưng sự tiên tiến của công nghệ cũng không đủ sức ngăn chặn sự sụp đổ trước mối đe dọa của những điều kiện môi trường cực đoan."
Nhà thờ tái hiện theo nguyên mẫu nhà thờ Thjodhild ở Brattahlid, Greenland. Ảnh: Bildagentur Zoonar GmbH/Shutterstock
Văn minh Viking ở Greenland
Dù Christopher Columbus vẫn được tôn vinh là người châu Âu đầu tiên phát hiện ra Bắc Mỹ, ngày càng nhiều người chấp nhận một thực tế, những người Viking Bắc Âu đã đi trước ông tới hơn 500 năm. Những ngôi làng định cư của người Viking xuất hiện đầu tiên ở cực nam Greenland và phát triển thịnh vượng trong nhiều năm, tới khoảng thế kỷ 14 bắt đầu suy giảm.
Các nhà khoa học và sử học đã đưa ra nhiều giả thiết, suy đoán về nguyên nhân của sự suy giảm đó, cho dù phân tích nói chung cho rằng nhiều khả năng do biến đổi khí hậu. Sự xuất hiện của người Vikings ở Greenland trùng hợp với giai đoạn Ấm thời Trung cổ, kéo dài từ khoảng năm 800 tới năm 1200.
Trong thời gian này, vùng đất Greenland thường xuyên băng giá có một khí hậu tương đối ôn hòa, giúp cho người dân dễ dàng trồng trọt, chăn nuôi sinh sống. Tuy nhiên, khi thế giới bước vào giai đoạn Tiểu băng hà, thế kỷ 14 và 15, các ngôi làng bắt đầu suy giảm. Tới giữa những năm 1500, người Viking Bắc Âu định cư trên Greenland đã bỏ làng đi tới những vùng ấm áp hơn.
Tàn tích Mohenjo-daro ở Sindh, Pakistan. Ảnh: suronin/Shutterstock
Văn minh thung lũng Indus ở Pakistan ngày nay
Còn có tên là văn minh Harappan, xã hội thời đồ Đồng này từng có hơn 5 triệu cư dân, nổi tiếng với mạng lưới cấp thoát nước và quy hoạch đô thị chi tiết. Hai thành phố lớn thuộc về nền văn minh này là Mohenjo-daro và Harappa được phát hiện ra và khai quật lần đầu vào thế kỷ 19.
Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng suy tàn? Hai thế kỷ hạn hán. Các nhà khoa học đã đi đến kết luận đó sau khi nghiên cứu các lớp cặn lắng trong đáy một cái hồ cổ, có tên là Kotla Dahar. Theo đó, hồ Kotla Dahar là lưu vực đóng, nguồn nước duy nhất là nước mưa, và không có đường thoát. Nghiên cứu cũng cho thấy giai đoạn hạn hán ở khu vực này trùng với giai đoạn hạn hán mà các nền văn minh tại Ai Cập và Hy Lạp phải gánh chịu.
Tàn tích văn minh Maya ở Tulum, Mexico. Ảnh: DC_Aperture/Shutterstock
Văn minh Maya ở Mexico
Nền văn minh Maya sụp đổ vào thế kỷ 8 và 9 đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu trong nhiều năm. Mặc dù các học giả nhanh chóng chỉ ra rằng, nền văn minh Maya trên thực tế không "sụp đổ", nhưng vẫn còn rất nhiều bí ẩn bao quanh lý do vì sao các đền đài, kim tự tháp, cung điện Maya bị bỏ không.
Có nhiều giả thiết giải thích nguyên nhân này, từ bệnh dịch tới xâm lược của ngoại bang. Giả thiết hàng đầu, đó là do thay đổi khí hậu đột ngột, dẫn tới hạn hán khủng khiếp kéo dài tới 200 năm.
Do nhiều thành phố của người Maya nằm trong các vùng sa mạc gió mùa, cư dân hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống tích trữ nước mưa. Bất kỳ thay đổi nào về lượng mưa cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Khi hạn hán kéo dài xảy ra, kết cục tất yếu là cư dân sẽ phải rời bỏ thành phố đi tìm nơi sinh sống khác./.
Lương Anh