Kỷ tử tươi. Ảnh: internet
Nói đến Ninh Hạ, hẳn không nhiều người biết đến, song nói đến nước Tây Hạ trong các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, hay Hư Trúc, phò mã Tây Hạ, một trong ba nhân vật chính của bộ tiểu thuyết "Thiên Long Bát Bộ" sẽ có nhiều người quen thuộc. Ở đây, còn lưu giữ khá nhiều lăng mộ của các đời vua Tây Hạ.
Tuy nhiên, không chỉ vậy, ở Trung Quốc, Ninh Hạ còn được biết đến như là quê hương của kỷ tử với hơn 600 năm lịch sử trồng loại quả này.
Kỷ tử khô Ninh Hạ. Anhr: Internet
Hiện diện tích trồng kỷ tử ở đây chiếm gần 50% của Trung Quốc, sản lượng chiếm khoảng 55%. Dự kiến, đến năm 2020, Ninh Hạ sẽ duy trì diện tích trồng kỷ tử khoảng 1 triệu mẫu.
Kỷ tử chia làm nhiều loại, loại to ngon dùng để ăn trực tiếp hoặc pha nước, loại nhỏ dùng để ngâm rượu hoặc chế biến thức ăn.
Kỷ tử dùng để pha trà
Để nhận biết kỷ tử Ninh Hạ, khi ăn sẽ thấy ngọt trước, đắng sau, khi ngâm nước để uống tỉ lệ nổi trên mặt nước rất nhiều. Khi uống chỉ cần pha nước ấm và phải ăn cả thịt quả. Khi ngâm rượu nên dùng rượu mạnh với tỉ lệ 1:5 (500g kỷ tử ngâm 2,5l rượu), ngâm 15 ngày là có thể uống. Kỷ tử có loại màu đỏ và màu đen, trong đó kỷ tử Ninh Hạ là loại màu đỏ.
Bảo tàng Kỷ tử Trung Quốc tại tỉnh Ninh Hạ
Vậy ngoài Ninh Hạ, những vùng nào của Trung Quốc cũng trồng được kỷ tử và sử dụng kỷ tử như thế nào là tốt nhất?
Chị Lương Huệ, hướng dẫn viên Bảo tàng kỷ tử Trung Quốc cho biết: "Nơi trồng kỷ tử ở Trung Quốc rất nhiều, hiện có 6 vùng chính là: Tân Cương, Thanh Hải, Nội Mông, Hà Bắc, Cam Túc và Ninh Hạ, nhưng chỉ có kỷ tử Ninh Hạ có tác dụng làm thuốc. Cách sử dụng thì có rất nhiều, như nấu canh, pha trà v.v... nhưng giờ đây, chúng tôi khuyến khích ăn sống, nhai khô. 7h-9h sáng khi mặt trời mọc mỗi ngày, cũng là lúc khí dương vượng nhất, là thời điểm ăn kỷ tử tốt nhất trong ngày."
Những gói kỷ tử thu hoạch đợt đầu được bày bán ở Ninh Hạ
Được biết, để có tác dụng tốt, mỗi lần nên ăn khoảng 30g kỷ tử. Kỷ tử tốt nhất là loại thu hoạch đợt đầu, tức tầm tháng 6 hàng năm.
Ngoài ra, trong cuốn "Bản thảo bị yếu" về y dược cổ đại của Trung Quốc có câu: "Ngạn ngữ cổ có nói: xa nhà ngàn dặm, chớ ăn câu kỷ" (Cổ ngạn hữu vân: xuất gia thiên lý, vật thực cẩu khởi), với ý nghĩa chỉ tác dụng bổ gan thận, ích tinh sáng mắt của vị thuốc này. Bởi vậy, kỷ tử đã được các thương nhân người Anh gọi là "viagra hoa quả" (fruit viagra).
Bích Thuận/ VOV Trung Quốc