Với vị trí đặc biệt của mình, nơi đây không chỉ là một di sản văn hóa thế giới, một địa điểm du lịch nổi tiếng mà còn là điểm nóng tranh chấp kéo dài nhiều thập niên giữa Campuchia và quốc gia láng giềng Thái Lan.
Đền Preah Vihear được xây dựng từ thế kỉ thứ 9 để thờ thần Shiva – vị thần sáng tạo và hủy diệt trong truyền thuyết Hindu giáo cùng với các thần núi Sikharesvara và Bhadresvara.
Sau đó ngôi đền liên tục được hoàn thiện cũng như xây mới trong suốt nhiều thế kỷ qua 7 đời vua của đế chế Khmer.
Preah Vihear tọa lạc trên chỏm núi Dângrek nằm giữa biên giới Campuchia và Thái Lan với kiến trúc trải dài 800m từ chân núi lên đỉnh theo trục Bắc - Nam.
Do người Hindu giáo quan niệm rằng đền đài được xây ở vị trí càng cao thì càng chứng minh được sự hùng mạnh của vị vua trị vì trong triều đại đó nên các đời vua Khmer xây dựng đền Preah Vihear trên một bề mặt khá bằng phẳng của đỉnh núi Dângrek với độ cao 625m so với mực nước biển. Khác với hầu hết các kiến trúc đền đài khác được xây dựng trong thời kì Angkor, quần thể Preah Vihear được xắp sếp theo trục Bắc Nam thay vì quay về hướng đông theo phong cách của đền núi truyền thống.
Bố cục đền Preah Vihear được phân thành ba tầng rõ rệt với độ cao tăng dần đều từ phía bắc hướng lên phía nam tổng cộng lên tới 120m.
Tầng một là cổng chính của đền, tầng hai là cụm kiến trúc mang phong cách Banteay Srei, cuối cùng là tầng cao nhất trên đỉnh núi đồng thời cũng là trung tâm của quần thể.
Vé tham quan là 10 USD một lượt, du khách tới đây thường mua hoa sen để dâng hương cầu may
Tầng một là dãy bậc thang khá dốc, rộng 7m với chiều dài gần 150m dẫn lên ngôi đền. Ngay phía trên cầu thang này là hai tượng rắn thần Naga bảy đầu canh giữ hai bên. Tiếp đến là một khoảng sân dài 50m dẫn đến khu tầng 2.
Tiếp tục men theo những bậc tam cấp trên con dốc sẽ dẫn đến cổng đền chính tại tầng 2. Đây là toà kiến trúc còn khá nguyên vẹn được xây dựng bởi đá hồng và sa thạch với rất nhiều họa tiết tinh xảo chạm khắc trên các khung cửa, mái điện.
Đặc biệt là chóp mái mang hình ảnh đuôi rắn Naga được bố cục theo phương đối xứng, cong vút lên nền trời, được chạm khắc rất công phu và tỉ mỉ.
Đền chính tại tầng hai của quần thể Preah Vihear
Lối kiến trúc này chính là nguyên mẫu được lặp lại ở hai ngôi đền Banteay Srey và Koh Ker. Ngoài ra tòa kiến trúc chính của tầng hai cũng là nguồn cảm hứng để xây dựng nên đền Wat Phou trên núi Voi nổi tiếng thuộc tỉnh Champasak của Lào.
Sở dĩ Preah Vihear được gọi là “Đền của những ngôi đền” vì kiến trúc của nó là nguyên mẫu được chọn để xây dựng các đền đài khác từ Banteay Srey, Koh Ker, Wat Phou (Lào) thậm chí là cả Angkor Wat…
Tầng cuối cùng nằm trên vị trí cao nhất của đỉnh núi Dângrek. Kiến trúc tại cấp này mang đậm dấu ấn của phong cách Koh Ker.
Hiện tại chính điện đã được cải tạo thành một gian thờ Phật với các nhà sư túc trực, luôn sẵn sàng làm lễ ban phước cho những phật tử hay du khách thành tâm.
Khoảng sân rộng trước chính điện với những trụ đá hình Linga – biểu tượng của thần Shiva
Khu vực quanh đền chính từng có nhiều tháp cao và thư viện nhưng trải qua hơn một ngàn năm lịch sử, đa phần các công trình đều bị hư hỏng rất nghiêm trọng.
Một di tích còn sót lại trong quần thể đền Preah Vihear
Từ đây có thể ngắm nhìn toàn cảnh núi non hùng vĩ bao quanh khu đền
Phong cảnh thiên nhiên nhìn từ trên đỉnh núi
Đền Preah Vihear nằm ở vị trí không được phân định rõ ràng trong khu vực biên giới hai nước - một nửa đền nằm bên vườn quốc gia Khao Phra thuộc lãnh thổ Thái Lan, nửa đền còn lại thuộc tỉnh Preah Vihear của Campuchia nên nơi đây là điểm nóng tranh chấp trong suốt nhiều thập niên giữa hai quốc gia.
Năm 2008, đền Preah Vihear được Unesco công nhận là Di sản văn hoá thế giới
Đến năm 2013,Tòa án Công lý Quốc tế đã đưa ra phán quyết cuối cùng: khu vực quanh ngôi đền cổ này thuộc về Campuchia và yêu cầu Thái Lan phải rút quân khỏi Preah Vihear, trả lại sự yên bình cho ngôi đền thánh ngàn năm tuổi này.
Lê Vân/ laodong.vn