Từ chốn thiên nhiên tựa tiên cảnh
Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Lăng Nguyên (Wulingyuan) nằm ở huyện Vũ Lăng Nguyên, phía tây thành phố Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Khu vực danh thắng Vũ Lăng Nguyên bao gồm 4 khu vực chính là Công viên rừng quốc gia Trương Gia Giới, Khu bảo tồn thung lũng Tố Khê, núi Thiên Tử và thành viên mới gia nhập gần đây là Khu thắng cảnh Trương Gia Giới với tổng diện tích lên đến 690km², khoảng 560 điểm tham quan. Tên gọi Vũ Lăng Nguyên có nguồn gốc từ bài thơ "Đào nguyên hành" của một nhà thơ đời Đường ca ngợi vùng đất này, trong đó có chữ "Vũ Lăng Nguyên". Từ đó Vũ Lăng Nguyên được dùng để chỉ vùng đất này.
Theo các nghiên cứu địa chất, vào thời kỳ cổ đại, Vũ Lăng Nguyên là một vùng đại dương mênh mông, vì thế khu vực này tồn tại rất nhiều trầm tích, thạch anh. Trải qua hàng triệu năm dưới sự tác động của khí hậu, nhiệt độ và sự vận động phức tạp của vỏ trái đất, khu vực này đã trở thành một kỳ quan thiên nhiên thực sự kỳ vĩ mà không nơi nào có được. Hệ sinh thái đa dạng và trù phú bậc nhất, ngoài những cột đá khổng lồ cao trung bình trên 200m, còn có những thung lũng sâu hun hút, những con suối trong lành len qua những cánh rừng nguyên sinh và nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm.
Đến Vũ Lăng Nguyên ngắm những cột đá sa thạch chìm trong những làn sương mờ khói lúc chạng vạng hay những khi đổ mưa, bạn sẽ thấy một quang cảnh tiên bồng thực sự. Hơn thế, vào mùa đông cả rừng quốc gia sẽ phủ trong làn tuyết, các nhành cây hóa băng và những ngọn núi được phủ một màu trắng tinh khiết, lúc đó Vũ Lăng Nguyên thực sự hóa thành chốn thiên đàn nơi hạ giới. Du khách đứng ngắm có thể liên tưởng đến các bộ phim cổ trang có bối cảnh tiên giới hay những bức tranh thủy mặc say đắm hồn người của Trung Hoa.
Đến sự vào cuộc đầy ngoạn mục của ban quản lý
Vườn quốc gia mở cửa chào đón khách du lịch cũng mang đến nhiều thách thức trong việc bảo vệ môi trường. Chưa hết, những thử thách khó khăn nhất cho ban quản lý là làm sao xây dựng được hệ thống vận chuyển hành khách bên trong khu thắng cảnh rộng lớn với địa hình hết sức phức tạp như vậy.
Trung Quốc đã cho xây dựng những hệ thống di chuyển đáng nể bên trong rừng đá sa thạch khổng lồ bằng nhiều phương tiện kết hợp như xe buýt, cáp treo và thang máy. Tuy nhiên, những công trình này trước đó đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về việc ảnh hưởng đến thiên nhiên cũng như môi trường sống của các sinh vật. Nhưng cho đến nay các công trình đó như là một chất xúc tác làm cho du khách thêm phần thích thú và làm cho khu tham quan thêm phần thú vị khi có những kỳ quan nhân tạo bên trong một kỳ quan thiên tạo.
Đầu tiên, phải kể đến thang máy ngoài trời cao nhất thế giới có tên là Bách Long (Bailong – trăm rồng). Sở dĩ thang máy có tên như vậy vì hệ thống thang máy đồ sộ thẳng đứng tựa vào vách đá như một con rồng đang vươn mình. Đi trong thang máy, du khách có cảm giác như mình đang cưỡi trên lưng rồng phóng thẳng lên không trung. Thang máy được mở cửa vào năm 2002, có thể chở mỗi lượt 50 người lên độ cao 326m trong vòng 1 phút 40 giây. Trong khi đó, nếu đi bộ thì du khách phải mất hơn 3 tiếng.
Ngoài ra, còn có 3 tuyến cáp treo phục vụ du khách cho cảm giác như đang cưỡi trên cân đẩu vân bay xuyên qua những cột đá. Bên cạnh đó, một tuyến tàu điện ở khu thắng cảnh Thập Lý Họa Lang cũng làm du khách thích thú khi chạy dưới thung lũng đá, ngước nhìn lên cao là các cột trụ cao ngất có nhiều hình dạng khác nhau thiên biến vạn hóa dọc theo đường ray.
Tháng 8-2016, cầu kính dài nhất thế giới khánh thành ở hẻm núi Trương Gia Giới cách vườn quốc gia Vũ Lăng Nguyên 20 phút đi xe, làm bằng thép và kính chịu lực có bề ngang 6m và chiều dài 430m cheo leo ở một thung lũng đá cao trên 300m. Cầu kính chắc chắn đến nỗi, khu du lịch đã cho nhiều du khách thử thách dùng búa đập kính nhưng không vỡ, một chiếc xe 4 chỗ có thể dễ dàng chạy êm ái qua cầu kính. Ước tính mỗi ngày cầu kính đón khoảng 8.000 lượt khách, có sức chứa 800 người một lúc. Ngoài ra trên cầu còn có điểm nhảy bungee cao nhất thế giới. Quả thực, cầu kính là một đại thử thách cho những ai sợ độ cao khi bước trên những tấm kính trong suốt, bên dưới là vực sâu thăm thẳm.
Khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên nổi tiếng không vì cảnh quan vốn có và các công trình nhân tạo ngoạn mục, mà chính những bộ phim đã làm cho nơi này được nhiều người biết đến. Trong bộ phim Tây du ký đình đám của điện ảnh và văn học Trung Hoa, ta còn nhớ đến cảnh Tôn Ngộ Không đuổi theo Bạch Cốt Tinh đến tận hang ổ của yêu quái này, và cảnh đấy không đâu khác được quay tại vườn quốc gia Trương Gia Giới. Chính khung cảnh vừa ma mị vừa thần tiên đã khiến đoàn làm phim chọn nơi này làm bối cảnh. Khi đứng ngắm rừng sa thạch du khách bỗng liên tưởng đến hình ảnh tuổi thơ là cảnh Tôn Ngộ Không trên cân đẩu vân đuổi đánh con yêu quái là bộ xương khô nhưng đã biến hình thành 3 người hiền lương nhằm ăn thịt Đường Tăng.
Trong vườn quốc gia Trương Gia Giới có một cột đá vô cùng nổi tiếng có tên là Hallelujah hay là cột trụ trời nam, cột đá này cao đúng 1.080m và là hình mẫu xuất hiện trong bộ phim Avatar. Chính vì cảnh sắc xuất thần và thoát tục này nên đạo diễn Cameron đã bị mê đắm và chọn làm bối cảnh trong phim. Đúng là khi đứng nhìn cột đá chống trời ta cũng cảm giác mình đang ở một hành tinh khác.
Một vài lời khuyên cho bạn đến tham quan Để đến được khu thắng cảnh, du khách Việt có thể bay từ đầu TPHCM/Đà Nẵng/Hà Nội/Nha Trang sang sân bay Trường Sa. Từ sân bay sẽ đi xe buýt đến thành phố Trương Gia Giới 5 tiếng với khoảng cách 320km. Sau đó, tiếp tục đi buýt đến khu bảo tồn Vũ Lăng Nguyên khoảng 45 phút cho đoạn đường 33km. - Giá vé tham quan là 225 NDT (780.000 đồng) và có giá trị trong vòng 4 ngày. Dự tính du khách phải mất ít nhất 3 ngày để đi tham quan toàn bộ thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên. - Vé tham quan chỉ bao gồm xe buýt, bạn sẽ phải trả thêm tiền nếu muốn đi cáp treo, xe điện hoặc thang máy. Nhưng du khách được khuyên là nên tận dụng các phương tiện trên nếu không sẽ bị đuối sức do việc đi bộ quá nhiều. - Ngoài ra, để tránh lạc lối giữa rừng đá sa thạch khổng lồ, bạn nên tìm hiểu rõ từng địa điểm, địa danh và bản đồ trong thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên để tránh mất thời gian. Thời gian đẹp nhất để thưởng ngoạn là từ tháng 9-4 năm sau. |
Phạm Hoàn Khải, saigondautu.com.vn