Có đến hơn 30 thành phố của châu lục đã nỗ lực thi đua để có được danh hiệu này, thế nhưng thủ đô của Bồ Đào Nha đã chiến thắng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, thủ đô của một quốc gia miền Nam châu Âu được giải thưởng lớn như thế.
Để vinh dự đón nhận danh hiệu này, Lisbon đã có một hành trình nỗ lực tiến đến phát triển bền vững trong thời kỳ khủng hoảng, trở thành niềm cảm hứng và là hình mẫu cho nhiều thành phố trong Liên minh châu Âu. Nhiều năm qua, Lisbon đã đặc biệt chú trọng đến việc giảm phát thải CO2, cải thiện chất lượng không khí, nguồn nước, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, phát triển xanh, đa dạng sinh học, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp và giao thông công cộng thích ứng với biến đổi khí hậu và xử lý chất thải.
Trào lưu sống xanh đang hiện hữu trong nhiều mặt của đời sống thường ngày, từ cách ăn uống, mua sắm, sinh hoạt cho đến hoạch định chính sách.
Đây là thủ đô đầu tiên ở châu Âu ký kết giao ước của thị trưởng về biến đổi khí hậu và năng lượng năm 2016, sau khi đạt được mức giảm 50% lượng khí thải C02 (2002-14); giảm tiêu thụ năng lượng 23% và tiêu thụ nước 17% từ năm 2007 đến 2013.
Mang một tầm nhìn rõ ràng về giao thông trong đô thị, với các biện pháp hạn chế sử dụng xe hơi và ưu tiên đi xe đạp, giao thông công cộng và đi bộ, năm 2017, Lisbon đã đưa ra một kế hoạch chia sẻ xe đạp để khuyến khích đi xe đạp ở các khu vực đồi núi của thành phố.
Hiện nay, 39% lượng xe của thành phố là xe điện. Nhằm khuyến khích người dân sử dụng ô tô điện, không chỉ ở Lisbon mà cả Bồ Đào Nha đã đầu tư mạng lưới dày đặc những trạm nạp năng lượng cho xe điện (miễn phí) và khuyến khích người dân lắp đặt pin mặt trời và hệ thống năng lượng tái tạo với chi phí thấp, cũng như bán lại điện cho mạng lưới.
Ở thủ đô Lisbon, xe đạp không được sử dụng nhiều như tại các thủ đô khác của châu Âu, nhưng người dân nơi đây đã sáng tạo những phương tiện di chuyển bền vững khác như xe scooter (loại xe hai bánh có chỗ đứng cho một chân, chân còn lại dùng để đẩy) chạy bằng điện. 93,3% người dân ở Lisbon sống trong phạm vi 300m của dịch vụ giao thông công cộng thường xuyên, 76% người dân ở Lisbon sống trong phạm vi 300m của các khu đô thị xanh.
Bồ Đào Nha có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, chủ yếu nhờ vào năng lượng mặt trời. Theo kế hoạch, đến năm 2030, năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ sản xuất đến 80% lượng điện năng tiêu thụ tại Bồ Đào Nha.
Nhằm thu hút đầu tư quốc tế vào bảo vệ hệ sinh thái, nước này đã sáng tạo ra Visa Xanh. Nếu đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái và một loạt các dự án môi trường, người ngoại quốc sẽ được xem xét cấp phép định cư và quốc tịch Bồ Đào Nha.
Thị trưởng Lisbon Fernando Medina cam kết mạnh mẽ đối với việc sử dụng đất, đặc biệt tập trung vào việc thiết lập cơ sở hạ tầng xanh, hoặc các mạng lưới không gian xanh được kết nối để chống lại các tác động của biến đổi khí hậu, như hạn hán, nắng nóng và lũ lụt. Chính quyền cũng tăng không gian xanh trong thành phố khi quyết định xây thêm 200 sân bóng và trồng mới hơn 100 nghìn cây xanh.
Các mục tiêu phát triển xanh và bền vững mà Lisbon đề ra đã và đang được người dân hưởng ứng mạnh mẽ.
Theo kế hoạch, đến năm 2050, nơi đây sẽ trở thành một đô thị không có khí thải nhà kính.
Theo hanoimoi.com.vn