Khác biệt với 40 nghìn ngôi chùa Phật Giáo tại Thái Lan đều có màu vàng, chùa Wat Rong Khun được phủ hoàn toàn một màu trắng. Ý tưởng táo bạo xây dựng Chùa trắng Wat Rong Khun là của Chalermchai Kosipipat – họa sĩ và là một trong những kiến trúc sư nổi tiếng tại Thái Lan với nhiều tác phẩm nghệ thuật.
Chùa trắng Wat Rong Khun thu hút nhiều du khách tìm đến bởi vẻ đẹp kiến trúc rất độc đáo. Ảnh: T. L.
Tỉnh Chiang Rai cũng được biết đến là một trong những khu vực mà truyền thống nghệ thuật và văn hóa Thái được thấm nhuần vào trong huyết quản – chính những truyền thống tốt đẹp này đã ươm mầm cũng như phát triển nhiều sáng tạo mà Wat Rong Khun là điển hình cho thành tựu sáng giá.
Tuy nhiên, chùa Wat Rong Khun vẫn còn có những nơi đang trong quá trình hoàn thiện
Bị hấp dẫn bởi những bước tượng và đền thờ màu trắng ở Sri Lanka, Chùa trắng Wat Rong Khun được xây dựng hoàn toàn từ thủy tinh và thạch cao. Được mệnh danh là ngôi chùa có cả thiên đường và địa ngục đẹp nhất thế giới, ngôi chùa có sự kết hợp hoàn hảo giữa lối kiến trúc cổ của Thái Lan với phong cách siêu thực, tạo nên vẻ đẹp "có một không hai".
Để đi vào được Chánh Điện, du khách buộc phải đi qua một cây cầu giống như vượt qua vòng sinh tử luân hồi
Được bao gồm 9 công trình độc lập như Chánh điện, Sảnh đường, nơi tôn kính di tích của Đức Phật, nhà nguyện cho người đến tập thiền, bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật và nơi ăn nghỉ, chùa Wat Rong Khun bắt đầu được xây dựng vào năm 1997 và đến giờ vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện.
Một trong 4 hình ảnh đại diện trên mái của Chánh điện, trong đó Bờm Sư Tử tượng trưng cho Lửa
Là một phật tử thuần thành, kiến trúc sư Chelermchai đã đặt hết tất cả niềm thành tín vào trong sáng tạo. Có thể thấy rõ mỗi một cấu trúc, hình tượng tại Wat Rong Khun đều được tác giả chăm chút để không chỉ trở thành một tác phẩm mỹ thuật mà còn chuyển tải được những thông điệp sâu sắc về tôn giáo và giáo dục.
Chùa trắng được mệnh danh có cả thiên đường và địa ngục đẹp nhất thế giới
Với vai trò trung tâm, ngôi chánh điện là biểu trưng cho bầu trời. Trên mái chánh điện trang trí bốn hình ảnh đại diện gồm voi, thần Rắn Naga, đôi cánh thiên nga, bờm sư Tử tượng trưng cho Trái Đất, Nước, Gió và Lửa.
Muốn vào Chánh điện, du khách phải băng qua cây cầu như quá trình vượt qua vòng sinh tử luân hồi để đạt được quả vị Phật. Trước cầu có hình bán nguyệt nhỏ tượng trưng cho loài người, còn vòng tròn lớn với nhiều răng nanh thể hiện cho miệng của thần Rahu cũng là tượng trưng cho địa ngục, khổ đau.
Nhà vệ sinh cũng là công trình có màu vàng duy nhất của chùa Trắng
Bao quanh cầu là hồ nước lớn với những vòi phun, đàn cá Koi trắng nhởn nhơ bơi lội biểu tượng cho dòng sông Si Tarndon, nơi chia cắt thế giới trần tục với thiên giới…
Khi du khách bước vào trong Chánh điện là cả một không gian tương phản về màu sắc, từ các pho tượng Phật được đặt bên trong bức phù điêu màu vàng rực, đến những bức hoa ở bốn vách tường, trên trần và cả dưới nền nhà đều thể hiện sự thoát tục, nỗ lực vượt thoát dỗ để đạt tới trạng thái siêu phàm.
Một trong hai điểm đặc biệt táo bạo ở đây chính là kiến trúc sư Chalermchai đã thay những hình ảnh truyền thống khắc họa anh hùng chiến thắng ác quỷ bằng hình ảnh nhân vật đến từ nền văn hóa đương đại như Batman, Superman hay Spiderman v.v…
Ngoài ra, các nhân vật của nền văn hóa đương đại cũng xuất hiện tại chùa
Điểm thứ hai có thể khiến du khách khá "sốc" đó là ở giữa công trình hoàn toàn màu trắng của Wat Rong Khun có kiến trúc màu vàng đẹp lộng lẫy – đó chính là nhà vệ sinh. Lý giải về điều này, kiến trúc sư Chelermchai cho biết về một thông điệp rằng, "Cái đẹp tồn tại khắp nơi – Chỉ cần mở mắt và biết nhìn, ai cũng có thể nhận ra những nét đẹp tiềm ẩn tiềm tàng đâu đó".
Bao quanh chủa là hồ nước lớn tạo nên một cảnh đẹp lay động lòng người
Vượt ra ngoài truyền thống chùa Thái với màu vàng đặc trưng, Wat Rong Khun đã tạo nên một bước ngoặt trong phong cách nghệ thuật tôn giáo tại Thái Lan, không lạ khi quần thể này sớm nổi tiếng khắp cả nước và vượt ra cả biên giới, thu hút càng lúc càng nhiều khách du lịch, trong đó không thể thiếu khách du lịch đến từ Việt Nam.
Theo laodong.vn