Để nói về nguồn gốc của cái tên Vọng Nguyệt, ắt hẳn sẽ nhiều du khách ngỡ ngàng khi nghe kể câu chuyện lý thú này: Ngày xưa, mảnh đất này có tên là Ngột Nhì. Vào một ngày, có một người đàn ông họ Chu tìm tới khẩn hoang lập làng và được phong làm Tổ làng. Khi ông qua đời được an táng ở đồng Đống Tranh, một vị trí nhìn xuống ao bán nguyệt, từ đó người ta gọi là làng Vọng Nguyệt.
Làng Vọng Nguyệt không chỉ được mệnh danh là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra những nhân tài lẫy lừng nơi đất Bắc. Làng Vọng Nguyệt còn lưu danh muôn thuở bởi cái nghề mà cha ông để lại từ ngàn xưa: nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ kéo kén.
Tơ tằm bén duyên chẳng biết tự khi nào, người ta chỉ nhớ về những câu chuyện truyền đời từ những ngày xa xưa, khi Vọng Nguyệt còn là mảnh đất được triều đình giao cho nhiệm vụ ươm tơ dệt vải. Nhiều dòng họ lớn trong làng như: Nguyễn Hữu, Chu, Ngô Quý, Ngô Xuân đã cùng nhau tạo nên những kỳ tích, mang danh làng tơ tằm Vọng Nguyệt vang xa khắp chốn.
Người nơi khác thường nói rằng Vọng Nguyệt được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vị trí đẹp, với những cánh đồng đỏ phù sa cho nương dâu bốn mùa tươi tốt. Còn người Vọng Nguyệt như có duyên với nghề nông tang, khi nuôi tằm thì cho nhiều kén, mỗi nong kén lại kéo được rất nhiều tơ. Cùng với sự cần mẫn, khéo léo và yêu nghề người Vọng Nguyệt đã không phụ lòng triều đình khi tạo ra những sợi tơ tằm óng ả, suôn mềm, bền, dai và chắc chắn dệt nên những tấm hoàng bào, quốc phục và gấm vóc, lụa là sang trọng quyền quý được chốn cung đình ưa chuộng. Thời kỳ hoàng kim với nghề này đã mang đến sự phồn thịnh cho người dân trong một thời gian dài.
Dường như, trong những câu chuyện còn sót lại của các bậc tiền bối còn phảng phất những niềm tự hào bất tận về lịch sử đầy vẻ vang của một ngôi làng sầm uất bên dòng sông Cầu thuở trước. Cho tới ngày nay, làng nghề Vọng Nguyệt đã vượt qua những thời kỳ gian khó của lịch sử, tiếp tục giữ vững và phát triển cái nghiệp của cha ông.
Đi sâu vào làng Vọng Nguyệt, cái không gian yên ắng được thay thế bằng tiếng quay tơ kẽo kẹt đều đều. Cái âm thanh mộc mạc ấy như vang mãi trong tâm trí mỗi người, gợi lên những ký ức huy hoàng ngày xưa và lòng tin về một tương lai tươi sáng của làng nghề.
Có thể nói Vọng Nguyệt là một trong số ít những làng quê Việt Nam vừa giỏi làm nghề, vừa giỏi chữ nghĩa. Dẫu ngàn đời mải miết bên khung cửu mưu sinh với cơm áo nhưng những người nông dân chân lấm tay bùn vẫn không quên nhắc nhở, dặn dò cháu con phải yêu chữ nghĩa như yêu nghề, họ truyền cảm hứng hiếu học cho những thế hệ sau.
Dọc theo triền đê, dòng sông Cầu hiền hoà vẫn ngày đêm sóng vỗ, như mạch nguồn bồi đắp phù sa cho những nương dâu rì rào, xanh biếc, như truyền thống khoa bảng của làng sẽ chảy mãi không thôi. Người Vọng Nguyệt tự nhủ với nhau rằng bao giờ nước sông Cầu còn chảy, người làng vẫn cố bám trụ với nghề nông tang cho dù cuộc đời nương dâu bãi bể và nhất định khốn khó đến đâu cũng phải bảo con cháu học hành để viết tiếp truyền thống khoa bảng của làng./.
Theo petrotimes.vn