Hồ Baikal là hồ nước ngọt lớn nhất và thuộc top những hồ sâu nhất thế giới, thuộc lãnh thổ Liên bang Nga, ở phía nam Siberi, giữa tỉnh Irkutsk ở phía tây bắc và Cộng hòa Buryatia ở phía đông nam.
Hồ chiếm khoảng 22-23% tổng lượng nước ngọt không bị đóng băng quanh năm trên bề mặt thế giới. Đây cũng là một trong những điểm du lịch đáng mơ ước của nhiều phượt thủ nhưng không phải ai cũng có cơ hội đặt chân tới.
Do đó, hình ảnh về hồ Baikal luôn được dân du lịch yêu thích. Bộ ảnh về kỳ quan rộng lớn này của travel blogger nổi tiếng người Nga Kristina Makeeva đăng tải trên website Bored Panda khiến nhiều người phải trầm trồ.
Kristina ghi lại nhiều khoảnh khắc từ các góc độ khác nhau của hồ. Từ lúc bình minh cho tới hoàng hôn, khung cảnh đều khoáng đạt, diễm lệ, lay động lòng người.
"Tôi từng nghĩ rằng mùa đông ở hồ Baikal mới là thời điểm đẹp nhất khi mặt nước đóng băng hoàn toàn. Nhưng tôi đã nhầm. Vào mùa xuân, hồ bắt đầu tan băng dần, những tảng băng loang lổ đẹp như tranh 3D và hoa hương thảo bắt đầu nở rộ thì khung cảnh còn tuyệt vời hơn", Kristina Makeeva chia sẻ.
Những chú hải cẩu lười biếng phơi mình trên những tảng băng trôi dưới ánh nắng mùa xuân.
Kristina Makeeva sử dụng flycam để thu về những góc chụp vi diệu từ trên cao. Cô không chỉ là một travel blogger mà còn là một nhiếp ảnh gia tài năng đến từ thủ đô Moscow (Nga).
Cô có gần 700.000 người theo dõi trên trang cá nhân và từng du lịch khắp nơi trên thế giới.
Khoảnh khắc hồ Baikal lung linh dưới bầu trời hồng rực, khác hẳn với vẻ lạnh lẽo của vùng hàn đới.
Hồ Baikal có độ sâu trung bình 744,4 m và rộng 31.722 km2. Người ta ví, nếu cả thế giới cạn kiệt nước, hồ Baikal có thể cung cấp đủ cho cả nhân loại dùng trong 25 năm.
Tại hồ có điểm sâu nhất là 1.642 m và được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1996. Hàng năm, có khá đông khách du lịch lặn lội tới đây nghỉ dưỡng.
Người Trung Quốc xưa kia gọi hồ là “Bắc Hải” (biển phía Bắc). Khu vực này trước đây thuộc lãnh thổ Hung Nô, quen thuộc trong các bộ phim Trung Quốc. Hồ trải dài từ biên giới với nhà Hán ở phía Nam tới rừng taiga Siberi ở phía Bắc.
Hà Nguyên. Ảnh: Kristina Makeeva/ ngoisao.net