Đảo Nyorophu trên hồ Lugu, nơi nhà thực vật học người Mỹ gốc Áo Jospeh Rock từng ở trên đường đi tới Muli. Ảnh: JACK YAO/CHINA DAILY
Lần đầu tiên cái tên Shangri-La xuất hiện là năm 1933 trong cuốn "Chân trời đánh mất" (Lost Horizon) của tác giả người Anh James Hilton. Cuốn sách mô tả đó là một thung lũng kín đáo, có một tu viện trên cao nhìn xuống và đỉnh núi hình nón cân đối hoàn hảo tuyết phủ trắng vươn cao phía trên, những người sống ở đó đã nắm được bí quyết để tĩnh tâm và trường thọ.
Trong truyện, nhà ngoại giao Anh Hugh Conway và ba người khác bị bắt cóc trong một vụ cướp máy bay và chiếc máy bay chở họ đi từ Kabul đã lao xuống dãy Côn Luân (Kunlun) ở Tân Cương, miền tây Trung Quốc.
Conway và các bạn đồng hành được cứu thoát và đưa tới Shangri-La, nơi từng người đều tìm thấy sự mãn nguyện dù nghĩ rằng sẽ không được tự do rời đi.
"Chân trời đánh mất" là một cuốn best-seller. Đây là cuốn truyện đầu tiên in hàng loạt dưới dạng bìa mềm. Sau đó, truyện được chuyển thể thành phim giành giải Oscar do Frank Capra đạo diễn, vai chính do ngôi sao ăn khách nhất của Hollywood lúc bấy giờ là Ronald Colman đóng. Người xem tin rằng, James Hilton đã tạo nên Shangri-La từ một địa điểm có thật, và người ta bắt đầu tổ chức các cuộc tìm kiếm (bao gồm cả cuộc tìm kiếm năm 1938 của Đức Quốc xã).
Nếu bạn hỏi người Trung Quốc, "Shangri-La ở đâu?" họ sẽ không chỉ đường tới Tân Cương, mà có lẽ sẽ chỉ tới miền bắc Vân Nam, cách đó 2.000, là nơi Joseph Rock, một nhà thực vật học người Mỹ gốc Áo đã thám hiểm những năm 1920 và 1930.
Từ Lệ Giang, ông đã đi tìm kiếm cây cỏ ở Vân Nam và Tứ Xuyên, đăng chuyện về hành trình của ông trên tạp chí National Geographic. Đó chính là lý do nhiều người ngày nay tin rằng, James Hilton có lẽ đã lấy cảm hứng từ đó để vẽ nên xứ sở huyền bí Shangri-La.
Tu viện Chonggu trong công viên quốc gia Yading, huyện Đạo Thành, tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: DJCLARK/CHINA DAILY
Sự tương đồng giữa hai địa điểm trong hành trình của Rock và trong truyện của Hilton lần đầu tiên được Xuan Ke, con trai người thư ký của Rock nêu ra. Người thư ký này là người tổ chức dịch truyện "Chân trời đánh mất" (Lost Horizon) ra tiếng Trung Quốc phổ thông cuối những năm 1970.
"Địa điểm miêu tả trong Lost Horizon chưa bao giờ được tiết lộ, nhưng chúng ta biết đó chính là Muli và vùng xung quanh đó," ông Xuan Ke, 91 tuổi, nói. "Zhongdian, Adunzi và Muli đều nằm trong vùng đó cả."
Ba địa điểm này nằm cạnh nhau. Zhongdian, tức Trung Điện, là tên cũ của Vân Nam, Adunzi ngày nay nằm ở huyện Đức Khâm (Deqin), cũng thuộc Vân Nam. Chỉ có Muli, tức Mộc Lý, là thuộc tỉnh Tứ Xuyên.
Trước khi đặt bút viết, Hilton đã nghiên cứu về vùng có người ở trên Tây Tạng qua các tài liệu trong thư viện Anh ở London, và đọc nhiều bài báo về chuyến đi của Rock thời đó. Tuy nhiên, trong hàng loạt các cuộc phỏng vấn trên đài báo sau khi cuốn sách được phát hành và gây sốt trong độc giả, ông không bao giờ nhắc đến Rock, mà lại nói rằng, ông chịu ảnh hưởng của lối viết của Abbe Huc, một thầy tu người Pháp đã đến Tây Tạng vào năm 1844.
Thung lũng sông Litang (Lý Đường). Ảnh: D J CLARK/CHINA DAILY
Nhật ký của thầy tu Huc lý giải một vài chủ đề tư tưởng trong "Lost Horizon" giống như vương quốc huyền thoại Shambhala mà Hilton đã đọc. Shambhala tương truyền nằm ở phía bắc Ấn độ, giống như Shangri-La, là nơi ký thác kiến thức và văn hóa khi thế giới bị chiến tranh tàn phá. Cả tuyến hành trình của Abbe Huc vaf vị trí được cho là của Shambhala đều ủng hộ giả thiết cho rằng, dãy Côn Luân (Kunlun) chính là nơi diễn ra câu chuyện của Hilton, dù rằng các đặc điểm địa lý và văn hóa mô tả trong truyện đã được đưa ra khỏi các bài báo của nhà thực vật học Joseph Rock đăng trên National Geographic.
Nhanh chóng sau khi cái tên Shangri-La được truyền tới Trung Quốc, các quận huyện thành phố trong vùng tranh nhau giành lấy cái tên này để thu hút du khách. Đầu tiên là Zhongdian (Trung Điện) ở Vân Nam năm 2001, sau đó là thành phố Riwa ở huyện láng giềng Daocheng (Đạo Thành) của Tứ Xuyên. Nhưng nhà thực vật học Joseph Rock không hề viết gì về Zhongdian cho tới sau khi "Lost Horizon" xuất bản.
Mặc dù Xuan Ke là người đầu tiên nhìn ra sự tương đồng giữa Shangri-La và những gì mà nhà thực vật học Joseph Rock mô tả, nhưng người chỉ ra được đường đi chính xác hơn lại là nhà leo núi, luật sư người Mỹ Ted Vaill.
Sulang, người dắt la cho đoàn thám hiểm. Ảnh: D J CLARK/CHINA DAILY
Vaill đã nghiên cứu rất kỹ mối liên hệ giữa các bài báo của nhà thực vật học người Mỹ xuất bản từ năm 1925 tới năm 1931 và vẽ ra 22 điểm tương đồng. Năm 1999, ông tiến hành hai chuyến đầu tiên tới Mộc Lý (Muli) và sản xuất một bộ phim về hai chuyến đi này. Ông đã phỏng vấn Jane Wyatt, người cùng đóng trong bộ phim năm 1937 và có nhớ là chính Hilton đã nói với cô rằng các bài báo của Rock trên National Geographic quả thực đã là nguồn cảm hứng cho ông viết nên cuốn "Chân trời đánh mất". Đáng tiếc, khi Wyatt kể với Vaill chuyện này, chiếc máy ghi âm ngừng chạy nên chỉ còn những gì mà Vaill đã ghi chép lại trên giấy.
Vaill đi theo đường mà Joseph Rock miêu tả trong bài báo năm 1931, leo lên độ cao 4.800 mét và đi vòng quanh những ngọn núi tuyết ở Xiannairi, Xianuoduoji và Yangmaiyong.
Ký ức về nhà thực vật học Rock vẫn còn lưu lại trong những người dân địa phương ở đây. Sulang, một người dắt la, biết ông qua những câu chuyện kể của ông nội, người đã được vị lama cai quản Mộc Lý lúc bấy giờ cử đi bảo vệ cho Rock trong hành trình năm 1929.
"Ông tôi đứng hàng thứ hai," Sulang chỉ vào Rock trong bức ảnh chụp chung với những người dẫn đường. "Thời đó, trên núi có nhiều cướp. Ông tôi mang theo dao và súng, mặc trang phục Tây Tạng truyền thống, đi theo ông Rock trong suốt hành trình."
Một ngọn tháp canh bảo vệ mỏ vàng bên sông Litang. Ảnh: D J CLARK/CHINA DAILY
Sulang kể, trang phục trong phim Lost Horizon giống với trang phục mà ông nội của anh mặc. Chi tiết này quan trọng vì Hilton là người cố vấn sản xuất phim, và đây dường như là một mối liên hệ nữa cho thấy ông đã tham khảo các bài báo của Rock để viết nên cuốn tiểu thuyết.
Đi theo hành trình của Rock, Vaill về sau này rút ra kết luận:
- Muli và thung lũng Shou-Lu (tên gọi trong các bài báo của Rock, giờ đây có tên là Shuiluo), giống như Shangri-La, là không thể tới được trong mùa tuyết.
- Có các kho vàng ở cả Muli thật và Shangri-La tưởng tượng.
- Khi Conway trốn thoát khỏi Shangri-La, anh tới Kangding (Khang Định), ngay phía bắc Muli, và khi anh quay lại vào cuối truyện, anh đi đường bắc Thái Lan. Không đường nào tới được dãy Côn Luân cả.
- Những người dân làng không được phép (hoặc không thể) rời khỏi thung lũng ở cả Shangri-La hoặc vương quốc Muli.
- Trang phục và chùa chiền trong phim là ở Muli, không phải trên dãy Côn Luân.
- Theo Vaill, diễn viên Wyatt đã nói rằng, Hilton kể với cô là ông đã đọc và chịu ảnh hưởng của các bài báo của nhà thực vật học Rock.
- Hơn tất cả (mà quả thực thế) có một đỉnh núi quanh năm phủ tuyết tên là Yangmaiyong, theo mô tả của Rock là "kim tự tháp đẹp vô song... ngọn núi đẹp nhất mà đôi mắt tôi từng được chiêm ngưỡng". Trong miêu tả của ông và trong hiện thực, khó có thể nghi ngờ rằng đây không phải là niềm cảm hứng cho ngọn núi tưởng tượng Karakal sừng sững phía trên thung lũng hư cấu Shangri-La, mà Hilton miêu tả là "ngọn núi đáng yêu nhất trên Trái Đất, ... chóp tuyết hình nón hoàn hảo, đường nét đơn giản như một đứa trẻ vẽ ra".
Đỉnh núi Yangmaiyong. Ảnh: D J CLARK/CHINA DAILY
Nhưng cũng có những sự bất nhất về địa lý. Trong truyện Lost Horizon, chiếc máy bay đâm xuống dãy Kunlun và đây là nơi một người bạn của Conway tìm kiếm anh vào cuối truyện.
Vậy, thiên đường hư hảo Shangri-La có thật dựa trên những chi tiết mà Rock, nhà thực vật Mỹ gốc Áo, mô tả về Muli? Nói rộng ra là có. Mặc dù vị trí của vụ rơi máy bay ban đầu là ở Kunlun, nhưng rõ ràng, nhiều chi tiết trên mặt đất lấy từ trong các bài báo của Rock, đặc biệt là trong bài đăng năm 1931. Hilton viết cuốn truyện của mình tại Woodford, nước Anh, và chưa bao giờ đặt chân tới miền tây Trung Quốc. Nhưng ông đã nghiên cứu rất kỹ về miền đất này trước khi đặt bút.
Vậy vì sao không thừa nhận Rock khi nói về nguồn cảm hứng viết nên cuốn sách mà lại dễ dàng thừa nhận Abbe Huc là người truyền cảm hứng khi ảnh hưởng của Huc ít hơn rất nhiều?
Trong một bài báo năm 1936 trên tờ New York Sun, nhà báo Eileen Creelman đã phỏng vấn Hilton về một loạt truyện của ông. Cô viết, "bằng cách nào đó, luật chống phỉ báng đã len vào câu chuyện. Hilton kể các tác giả Anh đã phải cẩn thận ra sao, thậm chí là khi viết về một vài địa điểm, vì có người đã thắng kiện sau khi ông công nhận là đã miêu tả về một ngôi nhà tranh mà nguyên đơn sở hữu."
Có phải Hilton không thừa nhận Rock vì sợ bị kiện?
Cuối truyện Lost Horizon, có một đoạn Hilton có vẻ như đã ám chỉ nguồn ảnh hưởng thực sự đối với ông. Bạn của Conway là Rutherford đã đi tìm Conway và gặp một người "lúc đó đi cho một hội địa lý Mỹ nào đó". Rutherford nói rằng, nhà thám hiểm này đã kể về một người đàn ông Trung Quốc trong dãy Côn Luân, nói tiếng Anh rất giỏi và đã mời anh tới thăm tu viện lama của mình.
Đó có phải là nhà thám hiểm Joseph Rock? Câu trả lời "có lẽ là đúng".
Lương Anh, theo people.cn