Ảnh: thenationalnews.com
Bể lặn này chứa được 8.000m khối nước - gấp hơn 20 lần so với một bể bơi 25m thông thường và có độ sâu 45,5m, đạt kỷ lục bể lặn sâu nhất thế giới với các hang động nhân tạo tuyệt đẹp dưới nước. Trước khi bể Deepspot tại Ba Lan xuất hiện, kỷ lục Guiness về bể lặn sâu nhất thế giới thuộc về bể bơi ở Montegrotto Terme của Italy với độ sâu 42m.
Tuy nhiên, kỷ lục của Deepspot có thể sẽ bị phá vỡ vào năm tới khi bể lặn Blue Abyss với thiết kế có độ sâu 50m dự kiến sẽ khai trương ở Anh vào năm 2021.
Không giống các bể bơi thông thường, Deepspot có thể mở cửa bình thường trong thời kỳ dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp bởi đây còn là trung tâm đào tạo, huấn luyện và cung cấp các khóa học lặn. Tổ hợp này còn có 1 khách sạn phục vụ theo nhu cầu của khách lặn ở độ sâu 5m.
Giám đốc quản lý Deepspot, ông Michal Braszczynski, một người đam mê môn lặn cho biết: “Đây là một công trình đặc biệt có độ sâu kỷ lục thế giới, các lực lượng cứu hỏa và quân đội cũng sử dụng bể lặn này để thực hiện diễn tập và thực hành theo nhiều chương trình huấn luyện khác nhau”.
Giám đốc quản lý Deepspot, ông Michal Braszczynski. Ảnh: thenationalnews.com
Khoảng hơn 10 người có kinh nghiệm lặn dày dặn đã đến trong ngày đầu tiên với hy vọng sẽ trở thành một người hướng dẫn ở bể lặn đặc biệt này. Anh Kacprzak, 39 tuổi, một hướng dẫn viên lặn hào hứng cho biết: “Không có cá hay rạn san hô tuyệt đẹp ở đây, nhưng đây chắc chắn đây là một nơi tuyệt vời để học tập và đào tạo môn lặn một cách an toàn”.
Công trình này được xây dựng trong khoảng hai năm, theo ước tính có khoảng 5.000m khối bê tông đã được sử dụng để xây dựng bể lặn này với tổng giá trị công trình vào khoảng 10,6 triệu USD.
Hải Đăng / VOV Praha