Rộng hơn 16.000 m2, Bảo tàng Dệt may nằm trong khu biệt thự cổ do người Pháp xây dựng từ thế kỷ thứ 19. Năm 1967, bà Tien Soeharto, Phu nhân Tổng thống thứ hai của Indonesia đã biến nơi đây thành tòa nhà di sản lưu trữ các loại vải truyền thống nước này. Không phải tình cờ khi Bảo tàng Dệt may được đặt ở vị trí ngay cạnh chợ vải truyền thống Tanah Abang của thủ đô Jakarta.
Khuôn viên bảo tàng
Bà Sari Permana Everlyn, Trưởng phòng Thông tin và Giáo dục của bảo tàng cho biết: “Nhiều người dân và du khách đến Indonesia đều ghé qua mua vải vóc và quần áo ở chợ Tanah Abang. Chúng tôi muốn người dân không chỉ dừng lại ở việc mua sản phẩm dệt may, mà còn biết về vải truyền thống của Indonesia. Do vậy bảo tàng được thành lập với mục đích giúp mọi người biết về nguồn gốc, cách làm ra vải và sự phát triển của vải dệt may”.
Sau 54 năm hoạt động, đây là nơi lưu giữ hơn 3.000 mẫu vải từ truyền thống đến hiện đại của các dân tộc trên toàn đất nước Indonesia. Các sản phẩm vải dệt, vải thêu, vải batik, vải sà rông cho tới trang phục truyền thống các vùng miền cùng công cụ sản xuất vải dệt Indonesia được trưng bày ở đây. Bảo tàng cũng dành không gian cho các nhà thiết kế Indonesia trưng bày các sản phẩm của mình, mỗi tháng sẽ có sự thay đổi để mang lại các sắc thái mới cho bảo tàng.
Bảo tàng trưng bày vải và trang phục truyền thống các địa phương
Bản đồ lịch sử ngành dệt may Indonesia bằng vải
Độc đáo hơn cả là phòng trưng bày hơn 300 loại vải batik, một Di sản văn hoá của Indonesia đã được UNESCO công nhận. Xuất hiện ở Indonesia 500 năm về trước, batik được biết đến như là loại vải để may trang phục cho vua chúa trong cung điện. Ngày nay, batik dành cho tất cả mọi người. Nghệ thuật vẽ bằng sáp ong và nhuộm vải batik thể hiện sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ thủ công Indonesia.
Trong không gian này, du khách có thể chiêm ngưỡng các loại batik cổ đại và batik đương đại, phát triển theo thời gian. Một số loại vải batik khó tìm với những hoa văn đặc biệt, được vẽ bằng tay, như batik ở Aceh hay các phôi batik cổ có niên đại hàng trăm năm cũng được tìm thấy ở đây. Phòng trưng bày batik là tiền thân của Bảo tàng Batik Quốc gia Indonesia.
Phôi in hoa văn batik cổ
Không chỉ là điểm đến thăm quan, Bảo tàng Dệt may còn mở không gian cho du khách thử sức làm các sản phẩm batik. Bên cạnh đó, bảo tàng còn tổ chức các khoá học đào tạo khác nhau liên quan đến vải truyền thống và nghệ thuật batik của Indonesia.
Một du khách trải nghiệm vẽ batik bằng tay với sáp ong
Ông Sugeng Riadi, nghệ nhân hướng dẫn làm batik trong bảo tàng chia sẻ: “Khóa học batik được mở ra để lưu giữ và bảo tồn nét văn hóa của Indonesia để các thế hệ sau tìm hiểu và tự hào về truyền thống dân tộc. Thêm vào đó, đây cũng là nơi tiếp tục uơm mầm và phát triển các tài năng. Những người tham gia khoá đào tạo batik tại đây thậm chí có thể vượt ra ngoài sở thích để phát triển thành một nghề.”
Gian trưng bày vải batik - Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận
Phía sau bảo tàng là vườn thực vật rộng 3.000m2 giới thiệu với những người yêu thích dệt may các loại cây nguyên liệu làm ra vải và cây sử dụng làm nguyên liệu cho thuốc nhuộm vải. Ngoài ra, để duy trì chất lượng các bộ sưu tập vải dệt lịch sử, Bảo tàng có một phòng thí nghiệm và xưởng để xử lí và sửa chữa các bộ sưu tập vải truyền thống với những nghệ nhân có tay nghề cao.
Bảo tàng Dệt may ở thủ đô Jakarta là bảo tàng lớn và toàn diện nhất của Indonesia, là một trong những nỗ lực của Chính phủ nước này trong việc thu thập và bảo tồn di sản ngành dệt may của quốc gia vạn đảo.
Hương Trà / VOV Jakarta
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |