Đến với làng Harie ở Nhật Bản, điều khiến khách nước ngoài cảm phục đầu tiên chính là hệ thống nước kênh sinh hoạt hàng ngày.
Dòng kênh chảy qua làng với nước sạch nhìn thấu đáy
Ngôi làng Harie nhỏ bé nằm ở rìa một vùng bãi bồi cạnh hồ nước lớn nhất Nhật Bản – hồ Biwa thuộc tỉnh Shiga. Đây là nơi sở hữu hệ thống kênh rạch chằng chịt. Nhưng đó không phải là những dòng chảy bình thường. Nước từ ngọn núi gần làng đổ về hồ Biwa, thông qua hệ thống kênh rạch để tới từng hộ gia đình.
Người dân Harie gọi chung hệ thống nước của mỗi gia đình là Kabata. Nước trong hệ thống Kabata được phân tầng đảm bảo không trộn lẫn. Nước từ vòi sẽ sạch hơn nước từ chậu nhỏ và bồn lớn.
Mỗi gia đình sẽ có hệ thống Kabata, nuôi cá làm sạch nước
Ngoài ra, điểm đặc biệt ở hệ thống Kabata chính là sự xuất hiện của những con cá bơi lội tự do trong khu bồn lớn. Đó cũng là khu vực để các gia đình nấu cơm, rửa rau hàng ngày.
Bể nước nuôi cá cũng là nơi nấu cơm hàng ngày
Khó tìm thấy ở đâu trên thế giới tương tự như làng Harie - nơi người dân sử dụng ngay nguồn nước nuôi cá dùng cho việc ăn uống sinh hoạt hàng ngày. Nếu đang thắc mắc, việc dùng chung nước như vậy liệu có đảm bảo vệ sinh, thì đây là câu trả lời.
Những con cá được nuôi tại đây có nhiệm vụ dọn sạch chất bẩn từ rau củ hay đồ dùng. Hay nói cách khác, chúng là “nhân viên” chuyên nghiệp ăn hết những đồ thừa trong bữa ăn của mỗi nhà, làm sạch dòng nước. Loài cá vừa có thức ăn, vừa giúp vệ sinh dòng nước. Cuối cùng, nguồn nước sạch tiếp tục được dẫn ra đồng ruộng.
Thực tế từ nước ở làng Harie luôn lưu động, không bị tắc nghẽn ở đâu và giữ được sự trong lành. Đó cũng là lý do ngôi làng còn có tên gọi “Làng của những dòng nước sống động”.
Hoàng Hà/ dantri.com.vn