Tỉnh Cam Túc nằm ở tây bắc Trung Quốc, giữa các tỉnh Thanh Hải, Nội Mông và cao nguyên Hoàng Thổ, là nơi hội tụ của ba cao nguyên lớn là cao nguyên Hoàng Thổ, cao nguyên Nội Mông và cao nguyên Thanh Hải.
Đây là nơi giao thoa giữa văn hóa Trung Hoa và phương Tây, là nơi duy nhất hội tụ của 4 nền văn hóa lớn trên thế giới và là nơi nổi tiếng với nhiều khu danh lam thắng cảnh đẹp và có giá trị lịch sử.
Công viên địa chất Trương Dịch Đan Hà nằm trong quần thể Công viên địa chất quốc gia Trương Dịch tại thành phố Trương Dịch, thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, nằm cách thành phố Trương Dịch 30km.
Công viên địa chất Trương Dịch Đan Hà có diện tích khoảng 50km2, nơi đây nổi tiếng với những phiến đất đá có màu sắc sặc sỡ kỳ lạ như cầu vồng, là điểm thu hút khách du lịch đến tham quan và rất có giá trị nghiên cứu khoa học.
Khu du lịch này đã được bình chọn là “Top 7 núi cầu vồng đẹp nhất của Trung Quốc,” “Top 6 địa hình kỳ lạ đẹp nhất Trung Quốc,” “Top 10 kỳ quan kỳ diệu thế giới” và “Top 22 cảnh quan đáng nhớ nhất toàn cầu.”
Hiện nơi đây vừa là công viên địa chất quốc gia và cũng là khu du lịch nổi tiếng của Trung Quốc.
Gia Dục Quan là cửa ải nằm ở cực Tây của Vạn Lý Trường Thành, được xây dựng tại vùng biên giới giáp Sa mạc Gobi.
Cửa ải này nằm ở điểm hẹp nhất ở phần phía Tây của hành lang Hà Tây, về phía Tây Nam thành phố Gia Dục Quan tại Cam Túc. Thời cổ đại gọi là “Hà Tây đệ nhất cửa ải” và được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan.”
Gia Dục Quan được xây dựng vào đầu thời nhà Minh, khoảng năm 1372. Gia Dục Quan có cấu trúc hình thang với chu vi 733m và diện tích trên 33.500m2. Tổng chiều dài tường thành là 733m và chiều cao tường thành là 11m, phần tường thành được xây bằng đất nung có màu vàng.
Do được xây dựng trên sa mạc Gobi và là cực Tây của lãnh thổ Trung Quốc khi xưa nên ngoài tác dụng phòng thủ, cửa ải này còn là một trạm dừng quan trọng của Con đường tơ lụa huyền thoại kết nối Trung Quốc với các nước Tây và Trung Á.
Núi thiêng Bars nằm ở làng Tây Xá Hà, thị trấn Đại Hà, huyện tự trị dân tộc Dụ Cố Tô Nam, thành phố Trương Dịch, tỉnh Cam Túc. Bars theo tiếng dân tộc Dụ Cố có nghĩa là “cao lớn, hùng vĩ và linh thiêng.”
Núi thiêng Bars có 6 đỉnh núi phủ tuyết trắng, trong đó đỉnh núi chính cao 5118 m so với mực nước biển. Để lên được đỉnh núi thánh Bars, du khách sẽ đi ôtô từ chân núi lên đến đỉnh khoảng hơn 20km.
Với vẻ đẹp tự nhiên, núi thiêng Bars là điểm du lịch sinh thái ngắm đỉnh núi tuyết, trải nghiệm, giáo dục tự nhiên, nghiên cứu, phổ cập khoa học và là nơi yêu thích của những người đam mê leo núi khám phá mạo hiểm.
Hang động Du Lâm nằm ở sông Du Lâm cách huyện Qua Châu, tỉnh Cam Túc khoảng 70 km về phía Nam. Các hang động được đào trên vách đá dựng đứng ở hai bên dòng sông Du Lâm. Hiện có 43 hang động và khoảng 5000m2 bích họa được xây dựng từ thời nhà Đường đến thời nhà Thanh.
Vách đá phía Đông có 32 hang động được chia thành hai tầng, vách đá phía Tây gồm 11 hang động.
Tại mỗi hang động đều được trang trí những bức bích họa miêu tả về con người, trang phục, phong tục tập quán, nhà cửa, cảnh quan thời xưa với bố cục chặt chẽ, đường nét uyển chuyển, hình dạng sống động và màu sắc rực rỡ, qua đó đã phản ánh sự hội nhập, giao thoa giữa nền văn hóa Trung Quốc và phương Tây.
Hang Mạc Cao tại thành phố Đôn Hoàng, Cam Túc là di chỉ Phật giáo, kho tàng văn hóa và kiến trúc Phật giáo lớn nhất tại Trung Quốc, cũng là một trong bốn di chỉ Phật giáo của Trung Quốc được UNESCO công nhận.
Hang Mạc Cao được xây dựng từ năm 366 và trải qua nhiều biến động lịch sử, đến nay, hang Mạc Cao vẫn còn giữ lại gần 500 hang, bảo tồn khoảng 50.000m2 bích họa và hơn 2.000 pho tượng Phật được chạm khắc tinh xảo.
Những tượng Phật to lớn được chạm trên đá rồi nhờ thiên nhiên bao bọc, giữ gìn mà vẫn còn lưu rõ từng đường nét một cho đến ngày nay. Do hang Mạc Cao nằm trên Con đường tơ lụa, nên cũng là nơi giao thoa, gặp gỡ của tôn giáo, văn hóa giữa phương Đông và phương Tây.
Các loại hình nghệ thuật của nước ngoài đã đan xen với nghệ thuật dân tộc của Trung Quốc và được thể hiện trên công trình chạm khắc tượng phật và các bức bích họa nổi tiếng tại các hang.
Phong cách nghệ thuật đa dạng muôn màu đã khiến kho báu nghệ thuật này trở thành cảnh quan rực rỡ tái hiện lại nguồn gốc nhà Phật cũng như cuộc sống người xưa.
Khu du lịch núi Minh Sa hồ Nguyệt Nha thuộc thành phố Đôn Hoàng có diện tích hơn 200km2.
Đây là danh lam thắng cảnh có lịch sử văn hóa lâu đời và là nơi để tham quan vãn cảnh, giáo dục phổ cập nghiên cứu khoa học, tuyên truyền văn hóa và các hoạt động vui chơi giải trí, là khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng cấp quốc gia đại diện cho cảnh quan đặc sắc thiên nhiên của Đôn Hoàng và có giá trị di sản thiên nhiên thế giới.
Núi Minh Sa có nghĩa là “âm thanh của cát”, nơi đây nổi tiếng với chuỗi cồn cát hình kim tự tháp hiếm có trên thế giới. Dưới chân núi Minh Sa có hồ Nguyệt Nha, nếu nhìn từ trên cao nhìn xuống hồ có hình dạng của nửa vầng trăng và hồ Nguyệt Nha được ví như mảnh trăng lưỡi liềm giữa mênh mông cát giúp xoa dịu cái oi bức của sa mạc.
Đặc biệt nước trong hồ Nguyệt Nha chưa bao giờ cạn. Đến khu du lịch núi Minh Sa, hồ Nguyệt Nha, du khách có thể cưỡi lạc đà, lái xe ô tô địa hình để trải nghiệm cảm giác khác lạ trên sa mạc.
Hình ảnh những đoàn lạc đà nối đuôi nhau bước dài trên triền cát như tái hiện lại khung cảnh của những thương nhân xưa kia bước đi trên Con đường tơ lụa.
Lạc đà sẽ đưa du khách với từng bước chậm rãi đi vào biển cát mênh mông, lạc vào thế giới chỉ còn thấy nắng, gió và cát.
Ngoài ra, đến với thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, du khách cũng không thể không đến với Chợ đêm Đôn Hoàng.
Chợ đêm Đôn Hoàng hay còn gọi là chợ đêm Thiểm Châu nằm trên đường Dương Quan Đông, là chợ đêm lớn nhất ở thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, là nơi tập trung của các món ăn và hàng thủ công mỹ nghệ mang hương vị Con đường tơ lụa.
Do mang đậm phong tục tập quán và bản sắc địa phương nên được mệnh danh là “Bức tranh phong cảnh đêm” và “Bức họa phong tình” của Đôn Hoàng. Thời gian mở cửa thường từ chiều cho đến khoảng 3 giờ sáng ngày hôm sau.
Chợ đêm Đôn Hoàng được chia làm 5 khu vực chính gồm: khu ẩm thực, khu bán hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, đặc sản địa phương và phòng trà.
Đến với chợ đêm Đôn Hoàng, du khách có thể thưởng thức những món ăn địa phương, mua sắm đồ lưu niệm mang đậm phong cách địa phương.
Với những lợi thế tiềm năng du lịch, thời gian qua Cam Túc tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh quảng bá, thông tin tuyên truyền, cải thiện dịch vụ lưu trú và ẩm thực với mong muốn trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch nhằm thu hút ngày càng nhiều khách tham quan hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19.
Theo VietnamPlus
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |