Nhà ở cũ của Bác Hồ nằm ở số 2-1 phố Liễu Thạch là một nhà hai tầng có kết cấu gạch gỗ kiểu Trung Quốc, được xây dựng vào năm 1930 trên nền đất rộng 182m2, diện tích kiến trúc là 364m2. Tên gọi cũ của ngôi nhà này là Nhà trọ Nam Dương. Sau khi được chính quyền Tưởng Giới Thạch trả tự do, Bác Hồ đã lưu trú tại căn phòng phía đông, tầng 2 của nhà trọ này.
Năm 1996, chính quyền thành phố Liễu Châu đặt tên di tích này là Nhà ở cũ của Hồ Chí Minh để kỷ niệm những năm tháng Bác ở đây. Năm 1997, chính quyền khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây tuyên bố Nhà ở cũ của Hồ Chí Minh là đơn vị bảo hộ văn vật cấp tỉnh. Di tích này mở cửa cho khách vào tham quan từ năm 2001. Năm 2006, Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố Nhà ở cũ của Hồ Chí Minh tại Liễu Châu là đơn bị bảo tàng trọng điểm toàn quốc.
Ở tầng 1 trong di tích này có một tấm biển ghi nội dung như sau: “... Nhà ở cũ của Hồ Chí Minh tại Liễu Châu là nhà quan trọng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống ở Liễu Châu và triển khai các hoạt động cách mạng vào tháng 9/1943 đến tháng 8/1944… Phòng trưng bày nhà cũ đã thể hiện những kinh lịch cách mạng và sự hoạt động ở Liễu Châu của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Nhà ở cũ và những địa chỉ cũ cách mạng đã trở thành một nhịp cầu hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung - Việt và căn cứ triển khai sự giáo dục truyền thống cách mạng chủ nghĩa quốc tế”.
Một tấm biển khác tựa đề Lời nói đầu về Chủ tịch Hồ Chí Minh có nội dung như sau: “Hồ Chí Minh - Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1890-1969), là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc.
Trong cuộc đời hoạt động của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thành phố Liễu Châu là một trong những địa điểm quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Tại đây, Người đã phải trải qua những năm tháng tù đày gian khổ, tham gia cuộc đấu tranh kháng chiến chống Nhật vĩ đại của nhân dân Trung Quốc, đại diện cho Đảng Cộng sản Việt Nam phát huy vai trò trung kiên chống Pháp, chống Nhật cứu nước trong các đảng phái thuộc Hội đồng minh Cách mạng Việt Nam, tổ chức các lớp bồi dưỡng huấn luyện, đào tạo ra một lực lượng lớn cán bộ nòng cốt cho phong trào cách mạng Việt Nam. Những dấu tích lịch sử như văn tự, tranh ảnh, nơi cư trú… trong những năm tháng hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại luôn gắn liền với quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Thành phố Liễu Châu nói riêng và nhân dân Trung Quốc nói chung và từ lâu đã trở thành di sản văn hóa và điểm giao lưu hữu nghị vô cùng quý báu của muôn đời nhân dân hai nước Việt Trung”.
Bức tượng Bác Hồ bằng đồng được đặt ở vị trí trang trọng
Bức tượng Bác Hồ bằng đồng được đặt ở vị trí trang trọng nhất ở trong phòng trưng bày. Ở trên tường lối lên tầng 2 treo tấm bản đồ đánh dấu những nơi Bác Hồ bị giam giữ ở Trung Quốc: “Tháng 8/1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Nam bí mật đến Trung Quốc, khi vượt qua biên giới Việt - Trung đến thị trấn Túc Vinh, huyện Thiên Bảo (nay là huyện Đức Bảo) thì bị cảnh sát Quốc dân đảng bắt giữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bị giam cầm tại hơn 10 nhà lao ở Quảng Tây. Đây là bản đồ hành trình qua các nhà tù nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh bị giam giữ ở Quảng Tây”.
Ở ngay cạnh tấm bản đồ này là ảnh núi Bàn Long gồm ảnh miệng hang và nhà tù trong hang. Nội dung chú dẫn của tấm ảnh này như sau: “Ngày 9/12/1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh bị áp giải tới Liễu Châu, giam giữ tại hang núi dùng để giam giữ quân nhân của chiến khu 4 Quốc dân đảng tại núi Bàn Long, Liễu Châu”.
Trên vách gỗ ở tầng 2 treo những bài thơ trong tập Nhật ký trong tù, trong đó có những bài có bút tích của Bác. Có một số di vật của Bác như chiếc giỏ mây, chiếc tủ gỗ bốn cánh. Ở trên bộ bàn ghế cũ có chiếc đèn bàn và chiếc điện thoại bàn. Có một bộ chăn gối và chiếc quạt nan đặt trên chiếc giường trải chiếu. Một bộ quần áo bạc thếch, áo bốn túi, treo trong tủ kính. Một số quyển sách viết về Bác Hồ như Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh với Quảng Tây, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh với Quảng Đông - Hồng Kông, Ngục trung nhật ký (tiếng Trung), Tập thơ Nhật ký trong tù (thư họa).
Ở trên tường treo nhiều tranh, ảnh như làng Sen, chùa Một Cột, Hồ Gươm, Phủ Chủ tịch, Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tours (Pháp) năm 1919... Những khẩu hiệu cách mạng như Nông công binh liên hiệp lại, Phản đối đế quốc chiến tranh, Đuổi đế quốc chiến tranh ra nội loạn, Ủng hộ Sô Nga in bằng giấy đỏ đã bạc màu. Ngoài ra còn có một số ảnh lãnh đạo Việt Nam đã đến thăm di tích này…
Ở tầng 2 có tấm biển đề lời kết như sau: “Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, sự nghiệp hòa bình thế giới và xúc tiến phát triển mối tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung - Việt, nhân dân Trung Quốc mãi mãi kính trọng và tưởng nhớ Người."
Những nơi ở cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Liễu Châu gồm: Hang núi nơi Người bị giam giữ; khách sạn Nam Dương, nơi Người đã có một thời gian cư trú sau khi được tự do; khách sạn Lạc Quần là nơi diễn ra các hoạt động cách mạng của lãnh đạo Việt Nam; Hồng Lầu số 1 là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và hội đàm với Thủ tướng Chu Ân Lai…; năm 2006 Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố: Nơi ở trước kia của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Liễu Châu là đơn vị bảo hộ văn hóa vật thể trọng điểm toàn quốc.
Trần Viết Nghĩa, danviet.vn