Hồ Xương trên dãy Himalaya. Ảnh: Wikimedia Commons
Ẩn mình trên dãy núi cao Himalaya thuộc Ấn Độ, một hồ nước nhỏ bé có biệt danh rùng rợn: "Hồ Xương".
Tên chính thức của hồ là Roopkund. Trên mép nước rải rác đầy xương và xác đóng băng - một số vẫn còn dính tóc và thịt chưa tiêu hết. Những người đi bộ táo bạo đã xếp một số bộ xương thành chồng.
Vào những ngày hè hiếm hoi, mặt băng trên hồ tan chảy, đôi khi có thêm những bộ xương nổi lên rải rác trên mặt nước. Các nhà nghiên cứu đã xác định rằng có tới 800 xác người vùi dưới mặt hồ.
"Đó là một không gian nhỏ, kín và chứa toàn xương", William Sax, một nhà nhân chủng học đã đến hồ Roopkund năm 1978 và đã phát biểu trong một bộ phim tài liệu của National Geographic năm 2004 về chiếc hồ này, nói với Business Insider. "Nó mang lại cảm giác đáng sợ và lo lắng."
Xương người rải rác quanh mép hồ Roopkund. Ảnh: Ashokyadav739/Wikimedia Commons
Các nhà nhân chủng học như Sax quan tâm đến khu vực này vì không ai biết cái gì đã giết những người bị chôn vùi ở đó. Một nhân viên kiểm lâm tên là Hari Kishan Madhwal đã tình cờ gặp chiếc hồ này vào năm 1942, nhưng cho tới hơn 75 năm sau, các nhà nghiên cứu vẫn không thể xác định chính xác như thế nào và tại sao những người này chết.
Bí ẩn về những cái chết trong hồ càng lộ sâu hơn vào mùa hè năm nay, khi một nghiên cứu DNA của 38 bộ xương tiết lộ rằng, đã có những người thuộc ba nhóm khác hẳn nhau về mặt di truyền đã chết trong hồ Roopkund theo ít nhất hai đợt, cách nhau khoảng 1.000 năm.
"Chúng tôi đã hy vọng rằng phân tích này sẽ giúp tìm ra câu trả lời về bí ẩn hồ Roopkund bằng cách xác định tổ tiên của những bộ xương", Eadaoin Harney, tác giả chính của nghiên cứu DNA, nói với Business Insider. "Nhưng đến khi chúng tôi hoàn thành phân tích, tôi thấy là nơi này lại càng bí ẩn hơn."
Họ đã phát hiện thấy, trong số 38 bộ xương, 23 bộ có tổ tiên liên quan đến Ấn Độ ngày nay và chết vào khoảng giữa thế kỷ thứ 7 và thứ 10, trong một vài sự kiện.
14 bộ xương khác có liên quan gần nhất với người ở Crete và Hy Lạp trong Địa Trung Hải. 1 bộ có nguồn gốc tổ tiên Đông Nam Á. Nhóm 15 xương này chết trong khoảng thời gian giữa thế kỷ 17 và 20, có khả năng trong một sự kiện duy nhất.
Công viên quốc gia Nanda Devi, Ấn Độ, nơi có hồ Roopkund. Ảnh: Spattadar/Wikimedia Commons
Tiến hành nghiên cứu về hồ không phải là dễ dàng vì hồ Roopkund nằm ở độ cao hơn 5.000m so với mực nước biển, trong công viên quốc gia Nanda Devi, Ấn độ.
Công viên Nanda Devi hùng vĩ. Ảnh: Abhijeet Rane/Flickr
Thông thường hồ Roopkund bị vùi sâu trong băng tuyết, nhưng mùa hè, khi lớp băng tan đi, xung quanh hồ sẽ lộ ra rất nhiều xương người. Ảnh: Pramod Joglekar
Một số du khách tới đây đã tập hợp xương lại và xếp thành chồng, điều đó làm cho việc nghiên cứu càng trở nên khó khăn hơn vì đã làm mất đi dấu vết nguyên bản của hiện trường.
Những bộ xương bị xếp như thế này khiến cho việc phân tích khảo cổ trở nên khó hơn. Ảnh: Himadri Sinha Roy
Vô số giải thích đã được đưa ra về nguyên nhân cái chết của những bộ xương trong hồ, từ gặp bão cho tới hiến tế tập thể. Các nhà nghiên cứu cho biết, hồ nằm gần một tuyến đường hành hương mà ngày nay chạy xuyên qua vùng này. Dân cư trong vùng vẫn còn lưu truyền một bài dân ca kể về một chuyến hành hương tập thể đến một ngôi đền thờ nữ thần núi Nanda Devi ở gần hồ.
Một ngôi đền nhỏ gần hồ Roopkund. Ảnh: Atish Waghwase
Bài ca nói về "một nhà vua và hoàng hậu cùng nhiều người hầu, do có hành vi ăn mừng không phù hợp- đã bị cơn thịnh nộ của thần Nanda Devi giáng xuống." Lời bài hát nhắc tới việc nữ thần giáng xuống những quả bóng "cứng như sắt."
Theo các nhà nghiên cứu, những quả bóng sắt đó có thể là mưa đá trút xuống. Một số xương sọ quả đúng là bị vỡ do bị nện mạnh.
Hồ Roopkund nằm ở độ cao trên 5.000m, thuộc dãy Himalaya Ấn Độ. Ảnh: Wikimedia Commons
Tuy nhiên cuối cùng, tác giả chính của nghiên cứu, Harney, không muốn suy đoán về nguyên nhân thực sự của nhưng cái chết vì không thể xác định được nguyên nhân đó chỉ qua phân tích gien. Nghiên cứu chỉ kết luận "bác bỏ những giả thiết trước đây cho rằng các bộ xương trong hồ Roopkund tích tụ lại trong một sự kiện thảm khốc duy nhất."
Những người này có lẽ đã không chết trong một bệnh dịch, như trong phim tài liệu năm 2004 của National Geographic giải thích, vì kết quả phân tích DNA không cho thấy bằng chứng về bất kỳ một trường hợp nhiễm khuẩn nào. Nguyên nhân giao tranh cũng được loại trừ vì trong số xương đã phân tích có cả xương trẻ em và phụ nữ, đồng thời quanh đó không phát hiện có vũ khí.
Hồ Roopkund "Xương người" và núi non xung quanh. Ảnh: Atish Waghwase
Nguyên nhân là nơi chôn cất người chết cùng không có cơ sở vì theo tác giả nghiên cứu Harney, địa điểm này nằm quá xa xôi. Càng kỳ lạ hơn là kết quả nghiên cứu cho thấy không hề có sự tương đồng về gien giữa những bộ xương với những nhóm người sống gần hồ nhất hiện nay.
Hồ Roopkund Lake nằm ở độ cao trên 5.000m, một chuyến đi đến đó mất nhiều ngày. Ảnh: Atish Waghwase
Những bí ẩn về chiếc hồ kỳ lạ đầy xương người sẽ cần có thêm thời gian để hé lộ.
Lương Anh, theo Business Insider