Tấm ảnh chụp hôm 27/1/2020 cho thấy một “Kasbah” tại “Ksar” Ait-Ben-Haddou. Ảnh: Fadel Senna/AFP
“Kasbah” và “Ksar” là những thuật ngữ Bắc Phi chỉ pháo đài và thành phố kiểu công sự cổ của người Berber (người bản địa Bắc Phi sống ở phía tây thung lũng sông Nile).
Ait-Ben-Haddou là một thành phố cổ nhỏ xíu tuyệt đẹp ở phía tây nam Morocco, được đánh giá là một ví dụ tuyệt vời về kiến trúc đất sét của Morocco và là một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1987.
Di sản Thế giới này nằm dọc theo tuyến đường lữ hành cũ giữa sa mạc Sahara và Marrakech (thành phố lớn thứ tư của Morocco ngày nay), cách thành phố Ouarzazate ở phía Nam dãy núi High Atlas nổi tiếng 32km về phía tây bắc.
Như nhiều Ksar, Ait-Ben-Haddou được xây dựng dọc theo nguồn nước sông Ounila chảy giữa đôi bờ mọc nhiều cây cọ và các loài thực vật sa mạc. Ảnh: Harrison Jacobs/ Business Insider
Ait-Ben-Haddou nằm giữa khung cảnh sa mạc đỏ vẫn giữ nguyên những nét đẹp nguyên thuỷ, hoang sơ độc đáo và đặc biệt là kiến trúc đất sét truyền thống cổ xưa. Đây là một trong những địa điểm lý tưởng để quay phim vì chỉ cách các hãng phim ở Ouarzazate - nơi được coi là Mecca (Thánh địa) của ngành điện ảnh Morocco - không xa.
Một cảnh quay trong phim "Game Of Thrones" tại Ait-Ben-Haddou. Ảnh: Harrison Jacobs
Người xem trên toàn thế giới bị mê hoặc bởi khung cảnh các thành phố cổ hoành tráng với các mê cung nhà cửa, đường hầm, pháo đài… trong những bộ phim sử thi nổi tiếng. Nhưng có lẽ vẫn chưa nhiều người biết một phần các cảnh quay vô cùng hấp dẫn đó được thực hiện tại kỳ quan đất sét Ait-Ben-Haddou trên sa mạc đỏ của Vương quốc Morocco.
Ait-Ben-Haddou đã được chọn để thể hiện một phần bối cảnh thành phố Ai Cập trong bộ phim hành động năm 1999 "The Mummy" (Xác ướp); là bối cảnh Hindu Kush (dãy núi nằm giữa Pakistan và Afghanistan) trong bộ phim sử thi Hy Lạp "Alexander" năm 2004 của đạo diễn Mỹ nổi tiếng Oliver Stone; là bối cảnh thành phố Zucchabar ở châu Phi thời La Mã trong bộ phim sử thi Mỹ "Gladiator" (Võ sĩ giác đấu) năm 2000 do Ridley Scott đạo diễn…
Gần đây nhất Ait-Ben-Haddou thể hiện bối cảnh thành phố Vàng Yunkai trong loạt phim truyền hình giả tưởng rất ăn khách "Game Of Thrones" (Trò chơi vương quyền) của Mỹ. Phim được chuyển thể từ loạt tiểu thuyết giả tưởng “A Song of Ice and Fire” (Khúc ca của Băng và Lửa) của tác giả George R. R. Martin, tập đầu tiên của tiểu thuyết có tên “A Game of Thrones”.
Để tới Ait-Ben-Haddou cần băng qua sông. Vào thời điểm sông ngòi khô cạn thì không hề khó khăn, chỉ cần đi qua cây cầu tạm đơn giản như thế này. Ảnh: Harrison Jacobs
Dù không phải là đối thủ cạnh tranh với các địa điểm khảo cổ cổ đại tại Hy Lạp hay Ai Cập, nhưng Ait-Ben-Haddou đẹp theo cách riêng và được đánh giá là một trong những điểm tham quan mang tính biểu tượng nhất trên thế giới.
Tuy vậy Di sản Thế giới dường như vẫn bỏ lỡ những dòng du lịch ồ ạt đổ tới. Bởi vậy các cư dân nơi đây đang rất háo hức muốn có những thay đổi theo hướng kết nối tốt hơn nữa các di sản điện ảnh tại địa phương với du lịch.
Một Caravanserai tại Ait-Ben-Haddou. Caravanserai là quán trọ ven đường, thời xa xưa đã hỗ trợ dòng giao thương, thông tin trên mạng lưới các tuyến thương mại nối Châu Á - Bắc Phi - Đông Nam Âu, nổi bật nhất là Con đường tơ lụa). Ảnh: Harrison Jacobs
“Một số người nói với tôi họ tới đây để tham quan địa điểm quay bộ phim Game Of Thrones. Có sự liên quan giữa du lịch với điện ảnh ở đây nhưng thẳng thắn mà nói chúng tôi vẫn chưa phát triển tiềm năng này hết mức có thể” - hướng dẫn viên du lịch địa phương Ahmed Baabouz, 29 tuổi, chia sẻ.
“Ait-Ben-Haddou giàu có về di sản phim ảnh, nên chúng tôi hy vọng sẽ sử dụng điều đó để thu hút du khách”- Baabouz nói và cho biết thêm rằng hiện tại anh cùng các thanh niên địa phương đang tập hợp hình ảnh các cảnh quay những bộ phim nổi tiếng lại theo một dự án bảo tàng, đem trưng bày nhằm tạo thêm một điểm nhấn thu hút du khách.
Có những góc nhỏ sắc màu rất cuốn hút du khách và các nhà làm phim. Đó là nơi cư dân địa phương lập những khu chợ nhỏ bán khăn quàng, trang sức, đồ thủ công mỹ nghệ, áo choàng Berber truyền thống… Ảnh: Harrison Jacobs
Để tới Ait-Ben-Haddou, ngay sau khi qua cổng vào du khách cần được hướng dẫn xuyên qua mê cung những con hẻm quanh co. Điểm dừng chân đầu tiên là một quảng trường lớn. Nơi đây từng tập trung cư dân địa phương sinh sống nhưng từ lâu đa số đã rời đi, chỉ còn vài ngôi nhà được chuyển đổi thành cửa hiệu nhỏ bán đồ thủ công mỹ nghệ.
Khu vực quảng trường rất rộng. Ảnh: Harrison Jacobs
Có hàng chục ksour (tập hợp nhiều ksar) ở cả Morocco, Tunisia và Algeria nhưng Ait-Ben-Haddou là một trong những Ksar lớn và ấn tượng nhất. Bên ngoài thị trấn là những cánh đồng trồng các loại ngũ cốc có khả năng sống được trong điều kiện khí hậu khô cằn của sa mạc.
Đền thờ trong Ksar. Ảnh: Harrison Jacobs
Người dân địa phương tin rằng Ait-Ben-Haddou được Ben-Haddou thành lập năm 757 theo Công nguyên. Nhưng các nhà sử học nêu rõ: Không có bất kỳ công trình nào trong thành phố có tuổi đời trước những năm 1700.
Mọi cấu trúc nhà cửa, đường sá... tại đây đều được làm bằng nguyên liệu thô địa phương là nguồn đất sét đỏ khai thác từ bờ sông, rồi được nén thành thứ nguyên liệu kiểu như “đất nung”.
Cách xây dựng này chi phí thấp và cũng khá bền vững trong điều kiện khí hậu sa mạc, nhưng vẫn đòi hỏi phải tôn tạo vì mưa sẽ làm hỏng kết cấu công trình. Nếu không được bảo trì, Ksar có thể bị phá huỷ chỉ trong 20 năm. Nay việc tôn tạo được UNESCO giám sát.
Ait-Ben-Haddou được xây dựng trên một ngọn đồi với những bức tường phòng thủ rất cao, càng lên cao tường càng được đắp thêm lớp cao hơn. Nếu bị tấn công từ bên ngoài, cư dân trong Ksar rút dần lên cao. Ảnh: Harrison Jacobs
Trên đỉnh Ksar là một Kasbah – điểm được coi như tuyến phòng thủ cuối cùng. Đường đi lại được làm theo kiểu những bậc thang uốn lượn quanh co tạo nên 2 tuyến phòng thủ nữa, khiến những kẻ xâm lấn khó định vị được nên đi theo hướng nào.
Tầm nhìn từ Kasbah trên đỉnh Ksar bao quát được toàn cảnh sa mạc bao quanh. Ảnh: Harrison Jacobs
Nếu có điều kiện du khách nên lưu lại Ksar vài ngày để khám phá được nhiều nhất có thể các cảnh quan và ngóc ngách ẩn chứa những điều lý thú và hấp dẫn của viên ngọc thô trên sa mạc đỏ vô cùng độc đáo này.
Đường ra qua một cây cầu khá hiện đại. Ảnh: Harrison Jacob
Theo dantri.com.vn