Làng dân gian Andong Hahoe nằm ở tỉnh Gyeongsang Bắc, Hàn Quốc. Tên gọi Hahoe bắt nguồn từ việc sông Nakdong chảy quanh ngôi làng theo hình chữ S (Ha có nghĩa là sông, Hoe mang nghĩa quay trở lại). Các thành viên trong gia tộc Ryu đã sinh sống tại làng Hahoe trong suốt 600 năm qua.
Hiện nay, Hahoe là ngôi làng theo dòng tộc tiêu biểu nhất ở Hàn Quốc khi còn lưu giữ nguyên vẹn những công trình kiến trúc dưới triều đại Joseon. Năm 2010, làng dân gian Andong Hahoe được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới nhờ giá trị văn hóa đặc sắc.
Ngôi làng đặc biệt
Andong Hahoe được 3 dòng họ lớn (Huh, Ahn và Ryu) xây dựng vào thế kỷ 15. Cuối thế kỷ 17, gia tộc Ryu cho mở rộng Hahoe và ngôi làng trở thành nơi sinh sống của riêng dòng họ này. Ngôi làng nổi tiếng vì là nơi sinh của Ryu Un Ryong, học giả Nho giáo vĩ đại thời Joseon và Ryu Seong Ryong, tể tướng đất nước trong thời kỳ Nhật Bản xâm lược.
Phong cách kiến trúc Joseon đặc trưng là điểm nhấn nổi bật của ngôi làng dân gian này. Tại Andong Hahoe, du khách có thể chiêm ngưỡng một số dinh thự truyền thống của quý tộc thời Joseon, cùng với những mái nhà tranh đơn giản được bảo tồn rất tốt. Ngoài ra, ngôi làng còn gìn giữ Yangjindang (từ đường dòng họ Ryu), Chunghyudang hay các thư phòng phục vụ mục đích học tập. Điều này khiến Andong Hahoe trở thành một bảo tàng ngoài trời về kiến trúc bản địa Hàn Quốc.
Kích thước của những ngôi nhà truyền thống hanok trong làng tùy thuộc vào sự giàu có và địa vị của chủ nhân. Các ngôi nhà hanok thường có không gian mở, được làm từ những vật liệu như gỗ, đất sét, đá, giấy... Ondol, hệ thống sưởi sàn nâng, được tìm thấy trong tất cả ngôi nhà trong làng tạo nên nét độc đáo cho Andong Hahoe.
Một đặc điểm quan trọng của Andong Hahoe là vận dụng Pungsu (phong thủy của Hàn Quốc) khi xây dựng ngôi làng. Theo đó, làng nằm dọc theo đoạn uốn khúc của dòng sông (Nakdong), được bao quanh bởi vách đá (Buyongdae) và những ngọn núi (Hwasan). Địa thế xây dựng ngôi làng Hahoe được coi là tốt nhất theo Pungsu vì tập trung năng lượng của đất trời, tạo nên sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giúp gia tộc thịnh vượng và bình an.
Múa mặt nạ Hahoe
Múa mặt nạ Hahoe là điệu múa ca ngợi vị thần của ngôi làng, mong cầu sự bình an và mùa màng bội thu. Đây là loại hình nghệ thuật sử dụng mặt nạ kết hợp với âm nhạc, điệu múa và lời thoại. Nội dung của các vở kịch múa nhằm lên án, châm biếm những bất công trong xã hội và sự phân biệt đối xử giữa các tầng lớp.
Vũ điệu mặt nạ Byeolsin Gut là cách thức dân làng Hahoe giải quyết những bất đồng và gắn kết mọi người lại với nhau. Loại hình nghệ thuật này đã được biểu diễn kể từ khi làng Andong Hahoe hình thành, và chỉ tạm ngừng vào năm 1928 khi Nhật Bản xâm lược và muốn xóa bỏ văn hóa truyền thống Hàn Quốc. Ngày nay, múa mặt nạ Hahoe không chỉ là nghi lễ tôn giáo, mà còn trở thành di sản văn hóa tại xứ sở kim chi.
Bên cạnh đó, những chiếc mặt nạ Hahoe cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống của ngôi làng. Đây là loại mặt nạ duy nhất được công nhận Bảo vật Quốc gia tại Hàn Quốc và được đánh giá là kiệt tác nghệ thuật mặt nạ trên thế giới.
Ban đầu, bộ sưu tập bao gồm 12 chiếc mặt nạ, nhưng hiện nay đã mất đi ch'onggank (tiến sĩ), ttoktari (người hầu) và pyolch'ae (quan nhỏ). Hầu hết mặt nạ Hahoe khắc họa khuôn mặt con người, trừ hai mặt nạ sư tử. Những chiếc mặt nạ này thể hiện trạng thái cảm xúc như buồn phiền, rạng rỡ và điềm tĩnh nên trong quá khứ dân làng Hahoe tin rằng chúng ẩn chứa linh hồn. Hiện, những chiếc mặt nạ này đang được trưng bày tại bảo tàng mặt nạ Hahoe.
Theo Zing
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |