Nằm ở miền Trung của Ấn Độ, Varanasi – thành phố hơn 3000 năm tuổi được coi là “Thánh địa” của đạo Hindu. Với một đất nước có hơn 80% dân số theo đạo Hindu như Ấn Độ, khúc sông Hằng (Gangas) chảy qua thành phố này là nơi các tín đồ đều ước ao được một lần tắm trong dòng nước mát và gửi nắm tro tàn hằng mong được siêu thoát.
Thành phố này quanh năm không lúc nào vắng vẻ, các tín đồ Hindu giáo thường lưu lại đây ít nhất một đêm. Họ thường đến vào buổi chiều để kịp dự lễ Ganga Aarti - Lễ tiễn thần Mặt trời, thần Shiva và thần sông Hằng vào khoảng 7 giờ tối hàng ngày; rồi chờ đến sáng sớm hôm sau để làm lễ tắm trên sông Hằng.
Đông đảo tín đồ và du khách tập trung trong buổi lễ Ganga Aarti
Dọc theo khúc sông này có gần 100 Ghat (điểm có bậc thang dẫn xuống sông)
Nghi thức gột rửa cơ thể dưới sông thường được thực hiện từ lúc bình minh chưa ló rạng cho đến lúc trời sáng hẳn
Hoa cúng không thể thiếu trong các buổi lễ và được thả xuống sông để dâng lên thánh thần
Các tín đồ đứng trên bờ cầu nguyện, rồi xuống sông gột bỏ bụi trần. Có những người còn múc nước sông thiêng mang về dùng. Dọc phố trên bờ sông bán rất nhiều can nhựa, bình nhựa đủ các dung tích phục vụ cho tín ngưỡng này.
Cụ ông này chọn một khu Ghat vắng vẻ để được tĩnh tâm cầu nguyện
Bên bờ sông, nhiều người bày hương hoa và ngồi cúng. Một vài chàng trai ôm cái giỏ đựng rắn hổ mang đi xin tiền. Họ lặng lẽ đến gần du khách, rồi mở nắp giỏ để con rắn thò đầu, bành mang, thè cái lưỡi chẻ đôi ra. Du khách có thể cho tiền hoặc không, nhưng dường như ai cũng ngỡ ngàng trước cách xin tiền độc, lạ này.
Nhiều người ngồi cúng ngay bên bờ sông
Trời sáng dần, chỉ với khoảng 150 rupies (khoảng 50.000 đồng) thuê thuyền, du khách được đưa ra giữa dòng sông, ngắm bình minh hé rạng từ bên kia bờ sông.
Khung cảnh thanh bình trên sông Hằng
Từ giữa sông, mọi người có thể ngắm toàn cảnh Dashashwamedh Ghat
Đây là Ghat lớn nhất ở khúc sông này, dọc theo triền sông này có tới vài chục ngôi đền Hindu, và chỉ những người theo đạo Hindu mới được vào trong đền.
Cảnh đẹp cũng đi vào trong tranh của những họa sĩ
Chỉ cách đó khoảng hơn 200 mét, Manikarnika Ghat lại mang màu sắc ảm đạm từ khói của những xác thiêu.
Đây là một trong hai Ghat thiêu xác chính ở Varanasi
Hàng ngày, một lượng lớn củi được dùng để thiêu xác, nên các thuyền chở củi liên tục cập bến
Trước khi thiêu, các thầy cúng gõ chiêng trống và nhảy múa, cầu nguyện xung quanh xác chừng 20 phút, trong lúc đó, người ta chất sẵn đống củi để chờ. Ngõ ngách trong khu vực Ghat này dán đầy những tờ quảng cáo cho dịch vụ khâm liệm và thiêu xác. Các nhà nghỉ cho người chờ chết thường kiêm luôn dịch vụ này.
Sau khi làm lễ, xác được khiêng ra và đặt lên trên đống củi, người ta rắc các loại bột thảo mộc có hương thơm để linh hồn được lên thiên đàng. Không có ai khóc lóc trong mỗi đám thiêu, chỉ có một vài người nhà đi theo xác, thường là con trai cả hoặc một người đàn ông trong họ, vì họ sẽ là người châm lửa vào đống củi.
Thông thường, người ta chỉ thiêu xác người trung niên và cao tuổi, xác đàn ông bọc trong vải trắng và đặt úp mặt xuống đất, xác đàn bà được bọc trong vải đỏ hoặc vàng và đặt hướng mặt lên trời, xác được đặt đầu quay vào bờ, chân hướng ra sông. Xác được thiêu trong khoảng 3 tiếng, sau đó cả tro cốt và phần xương nếu chưa cháy hết đều được thả xuống sông, kết thúc một cuộc đời!
Chi phí mỗi ca thiêu xác trọn gói khoảng 200$, rất nhiều người nghèo ở Ấn Độ phải dành dụm cả đời để được thỏa mãn ước nguyện cuối cùng này
Ngày nay, Ấn Độ đã xây nhiều lò thiêu ở khắp nơi nên số lượng người về đây thiêu xác cũng ít hơn, mỗi ngày chừng 20 ca. Chỉ cần có người cần dịch vụ là họ làm lễ và thực hiện nghi thức thiêu xác vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
CTV Tuyết Nhung/ Vietnam Journey