Champasak là một lãnh địa thuộc vương quốc Lan Xang – quốc gia đầu tiên của người Lào, được thành lập vào thế kỉ thứ 14. Ngày nay, tỉnh lị này nằm ở phía tây nam của Lào, có đường biên giới với Thái Lan và Campuchia.
Hoàng hôn trên sông Mê Kông tại thành phố Pakse - thủ phủ của Champasak
Champasak là một trong những tỉnh rộng lớn và đông dân nhất của Lào. Với diện tích khoảng 15.5 ngàn km2 và dân số khoảng 700 ngàn người (chiếm gần 1/10 tổng dân số cả nước). Khoảng 95% dân số Lào theo đạo Phật nên không quá ngạc nhiên khi nơi đây có rất nhiều đền chùa và Champasak cũng không ngoại lệ.
Tỉnh này có khoảng 20 ngôi chùa lớn nhỏ, trong đó nổi tiếng và thu hút nhiều khách du lịch nhất phải kể đến di sản văn hóa thế giới Wat Phou (còn gọi là chùa Núi) – một quần thể các đền thờ của đế chế Khmer toạ lạc dưới chân núi Phou Kao (núi Voi) thuộc trung tâm huyện Champasak.
Chùa núi Samleau thuộc thành phố Pakse
Quần thể đền này cách sông Mê Kông 6km và được bao bọc bởi “Siphandone” - tức 4.000 hòn đảo lớn nhỏ trên dòng sông này.
Nơi đây còn lưu lại nhiều dấu tích văn minh cổ đại với các đền đài bằng sa thạch (trong đó có một ngôi đền được xây dựng sớm nhất từ thế kỉ thứ 5, còn lại là từ thế kỉ thứ 11 tới 13).
Tượng Phật lớn đặt trên ngôi chùa núi Samleau với hướng nhìn ra sông Mêkong và toàn thành phố Pakse
Quần thể này được chia thành 3 khu: Khu ngoại vi, khu hạ và khu trung tâm. Các di tích của khu hạ và khu ngoại vi hầu hết đã bị tàn phá theo thời gian, chỉ có khu trung tâm là vẫn còn lưu giữ lại được những đền đài nguyên vẹn nhất.
Theo các nghiên cứu, Wat Phou là quần thể đền thờ có niên đại lâu đời nhất tại Lào. Ban đầu nơi đây là trung tâm của đạo Hindu và thờ thần Shiva.
Con đường được lót bằng những tảng đá phẳng dẫn đến chân núi nơi có hai ngôi đền chính nằm đối xứng với nhau. Hai bên là những cột trụ đá hình Linga, biểu tượng của thần Shiva
Về sau, kể từ thế kỉ thứ 13 khi Phật giáo trở thành quốc giáo của đất nước Triệu Voi thì Wat Phou được trùng tu và biến đổi thành chùa để thờ Phật.
Nơi đây từng là một trong những đền thiêng liêng nhất của đế chế Khmer, trước khi họ di chuyển về phía Nam để xây dựng lên khu đền đài Angkor Wat ở Siêm Riệp, Campuchia.
Một trong hai ngôi đền chính đối xứng nhau nằm trong khu trung tâm thuộc quần thể Wat Phou
Trãi qua hàng ngàn năm lịch sử, Wat Phou giờ đây đã không còn nguyên vẹn những đền đài tráng lệ, tuy nhiên nơi đây vẫn là trung tâm phật giáo của miền nam Lào.
Hàng năm lễ Wat Phou được tổ chức 3 ngày liên tục vào dịp rằm tháng 3 âm lịch là một trong những lễ hội Phật giáo lớn nhất cả nước thu hút không chỉ người dân khắp đất nước Lào mà còn có cả các phật tử đến từ các tỉnh thuộc vùng đông bắc Thái Lan đều nô nức tới đây hành hương.
Wat Phou được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào năm 2001, điều này càng khiến nơi đây trở thành điểm đến thu hút khách du lịch bậc nhất của tỉnh Champasak nói riêng và đất nước Lào nói chung.
Hoa champa được trồng rất nhiều quanh khu đền trung tâm
Về ẩm thực, Champasak có rất nhiều món ngon đặc sắc mang hương vị đặc trưng của Lào, trong đó có thể kể đến: cá hấp lá chuối, gà nướng, gà nấu me, lạp xưởng, thịt heo nấu măng…
Ngoài ra còn có các món ăn dân dã và truyền thống như xôi nếp, cơm lam hay chuối nướng cũng là những món ngon không thể bỏ qua khi có dịp ghé thăm vùng đất này.
Xôi nếp là món ăn thường ngày của người dân Lào. Người Lào thích ăn cơm nếp hơn cơm tẻ vì no lâu hơn, để có đủ năng lượng làm việc từ sáng tới chiều mà không lo bị đói
Chuối nướng là món ăn vặt được ưa thích tại Lào
Beerlao – thương hiệu bia nổi tiếng của Lào, được ủ từ lúa địa phương và mạch nha tốt nhất từ Đan Mạch. Loại bia này được sản xuất từ năm 1973 và đã trở thành sản phẩm bia bán chạy nhất tại Lào
Lê Vân/ laodong.vn